Chợ Đầm tròn Nha Trang được xem là biểu tượng của TP Nha Trang cùng nhà thờ Đá, tượng Phật trắng, Tháp Bà Ponagar. Đây cũng là một trong những khu chợ sầm uất nhất Khánh Hòa và du khách khi đến Nha Trang đều muốn ghé qua một lần.
Khu chợ Đầm tròn được xây dựng vào những năm 1970. Trong đó, hai khu chung cư A và B hoàn thành xây dựng năm 1972, còn khu chợ Đầm tròn được đưa vào sử dụng từ năm 1974.
Tại khu chợ Đầm tròn có hơn 200 tiểu thương đang kinh doanh nhiều mặt hàng. Mới đây, UBND TP Nha Trang đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc di dời hộ kinh doanh chợ Đầm tròn trước ngày 20/1.
Theo đó, UBND TP Nha Trang giao Ban quản lý chợ Đầm thông báo đến các hộ kinh doanh khẩn trương liên hệ với Công ty TNHH MTV chợ Đầm, thuộc Công ty CP Sông Đà Nha Trang, chủ đầu tư dự án chợ Đầm mới (nằm phía sau chợ Đầm tròn), để đăng ký kinh doanh ở khu chợ mới.
Các tiểu thương được yêu cầu phải di dời trước ngày 20/1. Sau ngày này, Ban quản lý chợ Đầm sẽ thanh lý hợp đồng cung cấp điện với điện lực trung tâm Nha Trang.
Trước thông báo của ban quản lý chợ, các tiểu thương đã có đơn khiếu nại tập thể gửi UBND tỉnh Khánh Hòa.
Các tiểu thương cho biết, địa điểm kinh doanh chợ Đầm tròn của các hộ kinh doanh không tự nhiên mà có. Khi hoạt động họ phải nhận chuyển nhượng từ chủ cũ hay đơn vị khác, nên địa điểm kinh doanh cũng là tài sản của người kinh doanh.
"Chúng tôi đóng tiền thuê đất cho nhà nước thông qua ban quản lý chợ, tuy không phải là quyền sở hữu đất nhưng cũng là một hình thức của quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng địa điểm kinh doanh tại chợ Đầm tròn tuy chưa được cấp sổ đỏ nhưng cũng là một tài sản không thể để cho người khác có quyền chiếm hữu hay quyền định đoạt tài sản của mình.
Vậy quyền lợi của tiểu thương cần phải được nhà nước xem xét buộc nhà đầu tư đền bù theo giá trị chuyển nhượng những lô sạp theo giá thị trường khi thực hiện dự án đầu tư", đơn khiếu nại nêu rõ.
Theo các tiểu thương, giá trị sang nhượng một lô ở chợ Đầm tròn vào giai đoạn năm 1990 trở đi trị giá nhiều cây vàng và tương đương một ngôi nhà nên các sạp trong chợ là tài sản rất lớn đối với họ.
Trong khi đó, nếu muốn vào kinh doanh ở chợ Đầm mới phải bỏ ra từ 400 triệu đến hơn 1 tỷ đồng mua một lô sạp từ chủ đầu tư.
Do đó, các tiểu thương cho rằng nếu dời đi họ bị thất thoát lớn, bởi trong phương án di dời qua chợ Đầm mới không có điều khoản bồi thường hay hỗ trợ gì từ chính quyền, cũng như chủ đầu tư.
"Chính quyền nói phải giải tỏa cả chợ Đầm tròn, nhưng không nói phương án hỗ trợ hay chính sách cho những những người kinh doanh lâu năm. Như tôi là gần 30 năm. Phía chủ đầu tư thì nói chỉ hỗ trợ một lần cho mỗi hộ kinh doanh di dời từ 1 đến 3 triệu đồng. Như vậy sẽ thất thoát rất lớn cho những người kinh doanh", bà Phạm Tuyết Nga một tiểu thương cho hay.
Cũng theo các tiểu thương, việc UBND TP Nha Trang yêu cầu di dời trước ngày 20/1 tức 8/12 âm lịch là không hợp lý vì chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm buôn bán rất được nhưng phải chuyển đổi sẽ gây khó khăn cho người kinh doanh.
Theo lãnh đạo UBND TP Nha Trang, việc ra thông báo ngày 4/1 theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa. Trước đó, ngày 25/12/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản giao UBND TP Nha Trang và Công ty TNHH MTV Chợ Đầm chịu trách nhiệm xử lý về việc bố trí các hộ tiểu thương vào các lô sạp trong chợ Đầm mới theo phương án UBND TP Nha Trang phê duyệt ngày 21/9/2015 và báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 31/1.
Được biết, dự án chợ Đầm mới đã được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty CP Sông Đà Nha Trang đầu tư thực hiện từ năm 2013. Theo phương án được phê duyệt thời điểm đó, khu chợ Đầm tròn sẽ bị đập bỏ. Các tiểu thương nằm trong diện giải tỏa sẽ được di dời vào khu chở Đầm mới, nằm ngay phía sau chợ cũ.
Từ năm 2014, các tiểu thương liên tục phản đối đập việc đập bỏ chợ Đầm tròn.