Tìm nhà đầu tư làm BOT cao tốc Bắc - Nam ở... nước ngoài

Nhiều đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được chào thầu quốc tế, tìm nhà đầu tư BOT.
Tìm nhà đầu tư làm BOT cao tốc Bắc - Nam ở... nước ngoài - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Chào thầu quốc tế nhiều đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Theo thông tin chúng tôi nhận được, Bộ GTVT đã phát hành Hồ sơ mời sơ tuyển để tìm nhà đầu tư BOT cho nhiều đoạn cao tốc thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Do các dự án đều chào thầu quốc tế, nên nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có thể tham gia.

Cụ thể, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ninh Bình - Thanh Hoá), dài 63,37km, qui mô 4 làn xe (giai đoạn 1), tổng mức đầu tư 13.225 tỉ đồng; trong đó phần nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 3.200 tỉ đồng. Thời gian thu phí dự kiến 24 năm.

Đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hoá), dài 43,28km, qui mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 6.333,06 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án là 2.003,16 tỉ đồng. Thời gian thu phí dự kiến 24 năm.

Đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hoá – Nghệ An), dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 8.380,67 tỉ đồng.

Trong đó, nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phía GPMB khoảng 1.423,48 tỉ đồng và một phần kinh phí trong giai đoạn xây dựng khoảng 2.550 tỉ đồng. Thời gian thu phí dự kiến 20 năm 4 tháng.

Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh), dài 49,3 km, tổng mức đầu tư hơn 13.338 tỉ đồng.

Trong đó, nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí GPMB khoảng 1.303 tỉ đồng và một phần kinh phí trong giai đoạn xây dựng khoảng 8.077 tỉ đồng. Thời gian thu phí dự kiến 18 năm 11 tháng.

Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (Bình Thuận - Đồng Nai) dài 99km, qui mô 4 làn xe (giai đoạn 1), tổng mức đầu tư khoảng 14.359 tỉ đồng; phần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 2.480 tỉ đồng. Thời gian thu phí dự kiến 14 năm 7 tháng.

Tìm nhà đầu tư làm BOT cao tốc Bắc - Nam ở... nước ngoài - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Di Linh).

BOT có thể thu phí thấp hơn mức trần

Theo thông tin từ Bộ GTVT, nhà đầu tư trúng thầu sẽ thành lập một Doanh nghiệp dự án được đăng ký theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam trước khi kí kết Hợp đồng dự án.

Doanh nghiệp dự án sẽ có trách nhiệm thiết kế bản vẽ thi công, xây dựng, thu xếp tài chính, vận hành và bảo trì dự án theo các điều khoản của Hợp đồng dự án được kí kết.

Doanh nghiệp dự án được thành lập để triển khai Dự án sẽ phải tuân thủ một số yêu cầu cơ bản như chỉ được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án đã kí kết cho bên cho vay hoặc Nhà đầu tư khác sau khi hoàn thành xây dựng công trình và thời gian theo quy định tương ứng.

Các tranh chấp phát sinh hoặc có liên quan tới hợp đồng dự án giữa các bên sẽ được áp dụng theo qui định của pháp luật Việt Nam.

Trong giai đoạn vận hành khai thác, Doanh nghiệp dự án được phép thu phí từ người sử dụng tương ứng với mức phí quy định trong Hợp đồng dự án.

Đây là mức phí tối đa (mức trần), Doanh nghiệp dự án có thể, được phép thu phí thấp hơn để thu hút phương tiện, nhưng không được điều chỉnh thời gian thu phí khi doanh thu giảm trong những trường hợp như vậy.

Sau sáu tháng kể từ ngày kí kết hợp đồng dự án, trong trường hợp Nhà đầu tư không kí được hợp đồng tín dụng với bên cho vay, do các nguyên nhân liên quan tới Nhà đầu tư, để đáp ứng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có quyền đơn phương tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và chấm dứt hợp đồng.

Việc Nhà đầu tư lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án phải tuân thủ qui định của pháp luật Việt Nam và sẽ được quy định chi tiết tại hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng trong bước tiếp theo.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam, bao gồm Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không bảo lãnh cho việc triển khai đầu tư, vận hành dự án (như bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỉ giá,...) theo các qui định cụ thể tại hợp đồng dự án và qui định hiện hành.

Theo tìm hiểu, việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm là 100.

Trong đó, số điểm đáp ứng yêu cầu qua vòng sơ tuyển là từ 60 điểm trở lên và các điểm thành phần đạt từ 60% trở lên.

Trường hợp liên danh, năng lực về tài chính của Nhà đầu tư liên danh là tổng năng lực của các thành viên trong liên danh, đồng thời từng thành viên liên danh phải đáp ứng năng lực tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm của Nhà đầu tư liên danh thể hiện qua số dự án và bằng tổng số dự án tương tự các thành viên trong liên danh đã thực hiện.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.