Như thông tin đã đưa, sáng 28/2, có khoảng 70 nhà xe đang khai thách vận tải hành khách tại 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình kéo nhau về Hà Nội để đòi đối thoại với Sở GTVT Hà Nội.
Các doanh nghiệp xe khách từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định đã tiến về Hà Nội đòi đối thoại với Sở GTVT trong sáng 28/2 (Ảnh Công Phương) |
Ghi nhận của PV, vào khoảng 8h30 phút, khoảng gần 70 xe khách tiến từ Thái Bình, Nam Định hướng về Hà Nội với băng rôn, biểu ngữ để Sở GTVT Hà Nội giải thích về việc điều chuyển luồng tuyến từ bến xe Mỹ Đình sang bến xe Nước Ngầm.
Gần 70 xe từ chối chở khách: Giám đốc Sở GTVT nói gì?
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - ông Vũ Văn Viện thông tin về việc gần 70 xe tuyến Nam Định, Thái Bình từ chối ... |
Vào khoảng 10h sáng 28/2, khi đoàn xe di chuyển đã bị lực lượng chức năng dừng lại ở Km số 7 gần trạm thu phí.
Trao đổi với PV, Trung tá Trần Minh Thu, Đội trưởng CSGT số 7, Phòng 10, Cục CSGT, phụ trách tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho biết, đoàn xe căng băng rôn, biểu ngữ từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định đã được lực lượng cảnh sát giao thông tạm dừng ở Km số 7 thuộc cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Vào khoảng 10h sáng, đoàn xe khách đã bị tạm dừng tại Km số 7 thuộc cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Ảnh Công Phương) |
“Hiện nay, lãnh đạo sở Giao thông vận tải và các đơn vị chức năng đã xuống trao đổi và tiếp thu ý kiến từ các nhà xe”, ông Thu nói.
Trao đổi với PV, một chủ doanh nghiệp cho biết, các nhà xe có nguyện vọng muốn được đối thoại trực tiếp với Sở GTVT Hà Nội và lãnh thành phố Hà Nội về việc đột nhiên luân chuyển các nhà xe từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Nước Ngầm vào cuối năm 2016.
“Chúng tôi đang phục vụ hành khách tại bến xe Mỹ Đình, ký kết với các doanh nghiệp để khai thác đến năm 2020, nhưng đùng một cái chuyển chúng tôi bị chuyển xuống bến xe Nước Ngầm. Từ cuối năm ngoái (2016) đến nay, các hãng xe hầu như không có hành khách để phục vụ mà phí dịch vụ tại bến xe Nước Ngầm lại thu cao nên chúng tôi đứng trước nguy cơ phá sản”, Đại diện các nhà xe nói.
Lý do khiến các nhà xe đi xe không chở khách về Hà Nội là do việc bị điều chuyển xuống bến xe Nước Ngầm không có khách để phục vụ (Ảnh Công Phương) |
“Từ khi chúng tôi bị ép về bến Nước Ngầm, hành khách không có, chúng tôi phải chạy xe không. Mỗi chuyến, được vài hành khách, không đủ chi phí xăng dầu chứ nói gì đến trả lương cho lái, phụ xe” – Chủ doanh nghiệp vận tải Chiến Dung cho biết.
Trước đó, ngày 2/1, Hà Nội đã tiến hành điều chuyển luồng tuyến xe khách ở bến Nước Ngầm, Giáp Bát và Mỹ Đình. Đáng chú ý là cuối tháng 12/2016, nhiều xe khách đã đình công để phản đối điều chuyển luồng tuyến.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo về đề nghị của một số đơn vị kinh doanh vận tải kiến nghị việc điều chỉnh Quy hoạch luồng tuyến giao thông tại bến xe Nước Ngầm, thành phố Hà Nội.
Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan tổ chức họp với các doanh nghiệp hoạt động vận tải tại bến xe Nước Ngầm, thành phố Hà Nội xem xét, xử lý việc điều chỉnh Quy hoạch luồng tuyến giao thông trên địa bàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3/2017.