Lật xe giường nằm về Thanh Hóa, 14 người thương vong
Theo tin tức trên báo Tuổi trẻ, khoảng 17h30 chiều 14/1, chiếc xe giường nằm của nhà xe Hải Hà (Thanh Hóa) do tài xế Hoàng Duy Đồng (30 tuổi, ngụ huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) cầm lái chạy trên quốc lộ 1 hướng Nam - Bắc.
Khi qua đoạn xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, do tránh một chiếc ôtô khác chạy cắt ngang nên xe khách đâm vào rào chắn rồi lật ngang đường.
|
Vụ tai nạn khiến ít nhất 14 người bị thương được đưa đến Bệnh viện đa khoa 115 Nghệ An cấp cứu, trong đó có 3 trường hợp bị thương nặng.
Nhận được tin báo, lực lượng CSGT Công an huyện Nghi Lộc nhanh chóng tới hiện trường phân luồng giao thông, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Được biết, chiếc xe khách đang trên đường từ Đồng Nai về Thanh Hóa, trên xe chở khoảng 40 khách.
Đến 20h30 tối 14/1, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa 115 Nghệ An vẫn đang tích cực chữa trị, chăm sóc cho các nạn nhân bị thương.
Mỗi lít xăng có thể gánh 8.000 đồng thuế bảo vệ môi trường
Thông tin trên VnExpress, theo quy định hiện nay, khung kịch trần của thuế bảo vệ môi trường với xăng là 4.000 đồng, do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra trong khung mức thu quy định tại Luật. Với khung này, hiện mỗi lít xăng đang gánh 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường vừa được Bộ Tài chính - cơ quan được giao soạn thảo - công bố và lấy ý kiến, lại đưa ra mức khung cao gấp đôi, tăng từ 4.000 lên 8.000 đồng trên mỗi lít.
Không chỉ xăng, nhiên liệu bay cũng tăng mức trần lên 6.000 đồng còn dầu diesel, dầu madut, dầu nhờn kịch khung là 4.000 đồng mỗi lít. Ngoài ra, trong bản dự thảo này, Bộ Tài chính cũng đề xuất tính thuế bảo vệ môi trường với cả xăng E5, xăng E10.
|
Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế tuyệt đối, gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi chung là hàng hóa) khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Thuế bảo vệ môi trường đã được tăng gấp ba từ tháng 5/2015 và đã góp phần giúp thu ngân sách 2015 vượt dự toán trong bối cảnh giá dầu lao dốc.
Ngoài với các mặt hàng xăng, dầu, dự thảo lần này cũng bổ sung, sửa đổi khái niệm về túi nilon chịu thuế. Cụ thể là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, tên kỹ thuật là túi nhựa xốp, có hình dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi và có thể đựng sản phẩm trong đó). Mức trần của thuế môi trường với túi nilon cũng tăng từ 50.000 đồng lên 80.000 đồng trên mỗi kg.
Người Việt thu nhập dưới 10 triệu đồng không được chơi casino
Báo VnExpress đưa tin, theo Dự thảo Nghị định kinh doanh casino mới nhất, người Việt Nam cũng được vào chơi ở casino nhưng tạm thời chỉ áp dụng thí điểm với hai casino ở Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Đồn (Quảng Ninh). Việc thí điểm này thực hiện trong 3 năm, tính từ khi một trong hai casino này đủ điều kiện hoạt động.
Về điều kiện đối với người Việt vào casino, người chơi phải từ 21 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và ngoài ra cũng phải đủ năng lực về tài chính. Cụ thể, người đó cần chứng minh được có thu nhập tháng thường xuyên từ 10 triệu đồng trở lên hoặc thuộc diện chịu thuế thu nhập từ bậc 3 trở lên. Bên cạnh đó, người chơi cũng không bị các thành viên trong gia đình như bố, mẹ (bố/mẹ nuôi), vợ, chồng, con ruột có đơn đề nghị điểm kinh doanh casino không được phép chơi.
|
Vé vào chơi casino với người Việt theo đề xuất của cơ quan soạn thảo là một triệu đồng trong 24 giờ liên tục hoặc 25 triệu một tháng mỗi người. Người Việt Nam vào casino phải chơi và nhận thưởng bằng tiền đồng (VND).
Việc cấm hay đồng ý cho người Việt vào chơi casino được các cơ quan quản lý "nâng lên đặt xuống" trong nhiều năm qua. Như vậy, đến nay về cơ bản, hoạt động casino đã được thống nhất về chủ trương cho phép người Việt vào casino nhưng dưới dạng "thí điểm". Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng nhìn nhận và khẳng định casino là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chỉ có doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận, đủ điều kiện kinh doanh mới được phép thực hiện.
Đồng thời, cơ quan soạn thảo yêu cầu làm casino cần gắn với hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại, đa dạng hóa hình thức vui chơi giải trí, thu hút khách du lịch, phải đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội, đạo đức và sức khỏe cộng đồng.
Một nguồn tin cho VnExpress biết điều kiện để một dự án dịch vụ - du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp được mở casino cũng được "nới" hơn so với quy định trước đó khi chỉ yêu cầu tổng mức đầu tư của dự án là 2 tỷ USD (thay vì 4 tỷ USD). Ngoài ra, doanh nghiệp chỉ được cấp giấy phép khi đã hoàn thành giải ngân tối thiểu một nửa vốn đầu tư cam kết của dự án. Ngoài ra, mỗi dự án chỉ được xem xét, cấp giấy phép cho một casino.
Tùy theo tổng đầu tư cam kết của dự án mà doanh nghiệp được phép vận hành số lượng máy và bàn trò chơi trong casino. Với những dự án cấp phép sau ngày Nghị định có hiệu lực, cứ 10 triệu USD đầu tư của dự án, doanh nghiệp được đầu tư một bàn trò chơi và 10 máy trò chơi. Với các dự án cấp phép trước đó thì căn cứ theo quy định ghi tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ấn Độ: Lật thuyền trên sông Hằng, ít nhất 19 người chết
Báo Tuổi trẻ dẫn nguồn tin, ông Manu Maharaj, một sỹ quan cảnh sát cao cấp cho hay lực lượng cứu hộ đang tích cực tìm kiếm những người còn mất tích.
Sự việc xảy ra ngày 14-1 khi chiếc thuyền chở các nạn nhân đang trên đường tới dự một lễ hội tôn giáo của người Hindi có tên là Makar Sakranti ở gần Patna, thủ phủ của bang Bihar.
Theo truyền thông địa phương, chiếc thuyền này đã chở quá tải. Điều này trùng khớp với nhận định của ông Chandrashekhar. Chiếc thuyền đã chở tới hơn 50 người trong khi chỉ được cho phép chở tối đa 30 hành khách.
Các cảnh quay cho thấy con thuyền chìm gần như ngay lập tức khi chỉ vừa rời khỏi bến không bao lâu. Rất nhiều người đứng trên bờ đã hoảng loạn và la hét trước thảm kịch.
|
Một số người đã cố gắng bơi tới nơi an toàn sau khi chiếc thuyền bị lật song con số người mất tích chính xác là chưa thể có được do không có danh sách hành khách trên thuyền. Điều này làm dấy lên lo ngại số người thiệt mạng có thể sẽ còn tăng thêm.
Hiện cảnh sát đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn này.
Tai nạn liên quan tới phà thuyền hay xảy ra ở Ấn Độ, chủ yếu do chở quá tải, thuyền bè ít được bảo dưỡng đầy đủ, quy định lỏng lẻo và thiếu áo phao cũng như các thiết bị đảm bảo an toàn trên phà thuyền.
Trước vụ tai nạn này, đã có khoảng 20 người chết trong một vụ lật phà trên sông ở bang miền đông bắc Assam của nước này hồi tháng 9/2015.