Báo Chính phủ dẫn báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, năm 2023 địa phương này thu hút mới 21 dự án FDI và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 29 dự án.
Tổng vốn đầu tư FDI thu hút tăng thêm trong năm đạt khoảng 1,4 tỷ USD, đạt 154% kế hoạch và tăng 91,7% so với năm 2022. Trong đó, vốn đầu tư cấp mới là 893 triệu USD, tăng 221% so với năm 2022; vốn đầu tư tăng thêm là hơn 508 triệu USD, tăng 12% so với năm 2022.
Luỹ kế đến cuối năm 2023, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có tổng cộng 458 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 31,54 tỷ USD. Trong đó, có 285 dự án được thực hiện trong các KCN với tổng vốn đầu tư 13,9 tỷ USD và 173 dự án thực hiện ngoài KCN với tổng vốn đầu tư đăng ký là 17,7 tỷ USD.
Hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 KCN đã thành lập với tỷ lệ lấp đầy đạt 56,3% và 13 KCN đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng với tỷ lệ lấp đầy 66,47%.
Song song với đó, các dự án hạ tầng trọng điểm của Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang được dồn lực đẩy nhanh tiến độ, bao gồm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, cầu Phước An, đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận...
Trao đổi với người viết, ông Vũ Minh Chí, Trưởng phòng Cấp cao, Dịch vụ Khu Công nghiệp, Avison Young Việt Nam đánh giá, năm qua trên cả nước đã có những "ngôi sao sáng" đang nổi lên trên bản đồ công nghiệp như Nghệ An và Thái Bình. Còn ở phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều khả năng sẽ trở thành điểm nóng công nghiệp trong thời gian tới.
"Xét về địa lý, đây là địa phương vừa gần với TP HCM, vừa có hạ tầng tốt và có cảng Phú Mỹ. Các KCN lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu như Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 3 và Châu Đức vẫn còn quỹ đất cho thuê dồi dào hơn so với các đối thủ tại Bình Dương và Đồng Nai.
Bên cạnh những thế mạnh đó, giá thuê đất ở đây vẫn còn khá hợp lý, trung bình trong khoảng 100 - 110 USD/m2 (riêng giá thuê KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 cao hơn vì có thời hạn thuê lên đến 70 năm và hạ tầng đạt tiêu chuẩn Nhật Bản).
Tôi cho rằng nếu biết tận dụng lợi thế và thời cơ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất có thể trở thành “thủ phủ công nghiệp" tiếp theo của thị trường BĐS công nghiệp phía Nam.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.
Trong đó, 10 địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước bao gồm: TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai. Riêng 10 địa phương này đã chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước trong năm 2023.