Hai vấn đề lớn trong bức tranh thu hút FDI năm 2023

Theo chuyên gia Avison Young Việt Nam, vốn FDI đăng ký sau 11 tháng có tăng, nhưng đây là mức tăng so với nền thấp của năm ngoái. Vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng nhưng tốc độ giải ngân không đáng kể.

Một khu công nghiệp đang xây dựng ở Nghệ An. (Ảnh: Hoàng Huy).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến 20/11/2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 28,85 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vốn FDI thực hiện là 20,25 tỷ USD, tăng khoảng 3%.

Trao đổi với người viết, ông Vũ Minh Chí, Trưởng phòng Cấp cao, Dịch vụ Khu Công nghiệp, Avison Young Việt Nam nhìn nhận, vốn FDI đăng ký sau 11 tháng có tăng, nhưng đây là mức tăng so với nền thấp của năm ngoái. Vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng nhưng tốc độ giải ngân không đáng kể.

“Số liệu nói lên hai vấn đề lớn của bức tranh thu hút FDI năm nay. Thứ nhất, dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại. Nguyên nhân do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, nhu cầu thế giới giảm, cùng đó tồn tại một số vấn đề về ưu đãi thuế quan, con người và hạ tầng tại Việt Nam.

Tôi lấy ví dụ về việc phản ứng chính sách với thuế tối thiểu toàn cầu (GMT), Singapore, Malaysia và Indonesia đã ban hành thuế bổ sung tối thiểu nội địa để đảm bảo ưu đãi thuế quan cho các doanh nghiệp FDI. Thái Lan cũng đang nghiên cứu chính sách tương tự.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có phương án điều chỉnh hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế tính đến kỳ họp Quốc hội năm nay. Điều này góp phần làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực.

Thứ hai, môi trường đầu tư còn cải thiện chậm, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thiết lập hoạt động tại Việt Nam khiến kéo dài thời gian và tăng chi phí, công sức của nhà đầu tư, khiến họ mất đi động lực”.

Dưới góc nhìn của vị chuyên gia, 2023 là một năm của những nỗ lực ngoại giao kinh tế ở cấp Chính phủ và kêu gọi đầu tư ở cấp tỉnh. Các sự kiện nâng cấp quan hệ đối tác với Mỹ, Nhật hay Trung Quốc kỳ vọng sẽ giúp BĐS công nghiệp đón làn sóng FDI lần thứ 4 trong 1 - 2 năm tới.

Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan bởi khó khăn kinh tế toàn cầu được dự báo còn kéo dài và một số điểm yếu về hút vốn ngoại của Việt Nam còn hiện hữu.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.