Chuyên gia: Vị thế top đầu hút FDI của Quảng Ninh, Hải Phòng sẽ không dễ bị xô đổ

Theo chuyên gia Avison Young Việt Nam, quỹ đất công nghiệp ở các tỉnh top đầu khu vực phía bắc, cụ thể là Quảng Ninh và Hải Phòng, vẫn còn khá nhiều. Những tỉnh này cũng thường có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao, do đó sẽ không dễ hụt hơi trong “cuộc đua” FDI với các địa phương khác.

Một khu công nghiệp ở Hải Phòng. (Ảnh: DEEP C).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến 20/11/2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 28,85 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vốn FDI thực hiện là 20,25 tỷ USD, tăng khoảng 3%.

Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn FDI đạt trên 3,11 tỉ USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; tăng 42,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kế đến là TP HCM và Hải Phòng với tổng vốn đầu tư đăng ký lần lượt là 3,08 tỷ USD và 2,8 tỷ USD. 

Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 dự án FDI với gần 3,1 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn 3 dự án với số vốn tăng thêm 28,8 triệu USD. Đối với Hải Phòng, thành phố này đã về đích trước 4 tháng kế hoạch thu hút vốn FDI trong năm 2023. 

Trong bối cảnh quỹ đất ở các tỉnh công nghiệp lớn dần khan hiếm và dòng vốn ngoại dịch chuyển về các tỉnh nhỏ, chuyên gia cho rằng những tỉnh top đầu như Quảng Ninh, Hải Phòng,... vẫn có thể duy trì được vị thế “quán quân FDI” như hiện nay.

Chia sẻ với người viết, ông Vũ Minh Chí, Trưởng phòng Cấp cao, Dịch vụ Khu Công nghiệp, Avison Young Việt Nam nhìn nhận, quỹ đất công nghiệp ở các tỉnh top đầu khu vực phía bắc, cụ thể là Quảng Ninh và Hải Phòng, vẫn còn khá nhiều. Chẳng hạn, hai KCN có diện tích lấn biển lớn tại Hải Phòng là KCN Nam Đình Vũ và KCN DEEP C.

Bên cạnh đó, mới đây, Hải Phòng còn giảm 30% tiền thuê đất năm 2023 cho doanh nghiệp trong khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, một trong những khu kinh tế mạnh về sản xuất công nghiệp.

"Nói như vậy để thấy, bên cạnh quỹ đất, các chính sách thu hút và giữ chân doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng. Những tỉnh dẫn đầu trong thu hút FDI cũng thường là những tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao, thể hiện năng lực điều hành kinh tế và hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tốt.

Vì vậy, tôi cho rằng “cuộc đua” FDI giữa các tỉnh, dù lớn hay nhỏ, dù có lịch sử phát triển lâu đời hay mới nổi trong những năm gần đây, không chỉ phụ thuộc vào diện tích đất công nghiệp, mà còn là sự năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp của địa phương", vị chuyên gia nói.

Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), Hải Phòng ngoài 5.000 ha của 12 khu công nghiệp đang triển khai, thành phố đang tiếp tục đầu tư thêm 15 khu công nghiệp với diện tích 6.200 ha. Dự kiến 3 năm tới, Hải Phòng sẽ thu hút 12 - 15 tỷ USD vốn đầu tư FDI.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.