Báo cáo về thị trường bất động sản Hải Phòng do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố mới đây cho biết, trong quý III địa phương này có tốc độ phục hồi giao dịch, giá bán gần như nhanh và sớm nhất cả nước. Hầu hết các sàn giao dịch buộc phải tạm ngưng kinh doanh trước đó đã quay trở lại thị trường và bắt đầu đăng tin tuyển dụng lượng lớn môi giới.
Quý vừa qua, TP Hải Phòng có tổng cộng 12 dự án bất động sản mở bán, trong đó có 5 dự án mới, bổ sung cho thị trường thêm khoảng 1.532 sản phẩm, ghi nhận 418 giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ đạt 27%, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án chung cư và nhà ở xã hội.
Ở phân khúc chung cư, có 11 dự án được chào bán trong quý III đều ghi nhận lượng giao dịch tốt và đều đặn, đưa ra thị trường gần 1.200 căn hộ. Các dự án mở bán trong năm 2023 cũng đều bán được trên 60% giỏ hàng, một số dự án mở bán trước đã bán gần hết.
Với loại hình nhà ở xã hội, Hải Phòng là địa phương đứng đầu về số dự án khởi công trong quý với 4 dự án đang được triển khai, tổng quy mô đạt 6.707 căn hộ. Tính trong cả năm 2023, thành phố đã động thổ 9 dự án. Một trong số đó là nhà ở xã hội Moonbay Residence đã nhận 200 hồ sơ/300 căn hộ mở bán.
Phân khúc bất động sản thấp tầng cũng ghi nhận chuyển biến tích cực khi trên toàn thành phố có 3 dự án mới mở bán trong quý III, sau 6 tháng liên tiếp không ghi nhận bất cứ dự án thấp tầng nào mở bán. Dù mới mở bán cách đây 1 - 2 tháng, song các dự án đều có tỷ lệ hấp thụ ở mức cao, khoảng 40%.
VARS đánh giá Hải Phòng là thị trường hiếm hoi trên cả nước ghi nhận sự giữ giá ở các sản phẩm thấp tầng khi chỉ giảm 5 - 10% so với thời kỳ đỉnh sốt, cao hơn gấp nhiều lần mức giá mua trực tiếp từ chủ đầu tư. Các dự án trong nội đô thành phố đều có mức giá hợp lý so với các dự án ở tỉnh, thành khác có vị trí tương đương.
Xét theo khu vực, vùng ven thành phố ghi nhận lượng giao dịch đất nền và nhà ở kinh doanh với mức giá dưới 3 tỷ động khá sôi động. Tại các huyện sát lõi trung tâm, đất đấu giá ghi nhận mức trúng cao hơn 3 - 5 triệu đồng/m2, tỷ lệ hấp thụ đạt 40 - 60%.
Trên thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, trong quý III Hải Phòng có 3 dự án, lượng giao dịch chủ yếu đến từ nguồn cầu ngoại tỉnh.
Còn trên thị trường bất động sản công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở Hải Phòng trong quý III đạt trên 90%, giá thuê trung bình trên 100 USD/m2/chu kỳ thuê, cao hơn Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương.
Hải Phòng hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Ngoài 5.000 ha của 12 khu công nghiệp đang triển khai, thành phố đang tiếp tục đầu tư thêm 15 khu công nghiệp với diện tích 6.200 ha. Dự kiến 3 năm tới, Hải Phòng sẽ thu hút 12 - 15 tỷ USD vốn đầu tư FDI.
VARS nhận định trong thời gian tới, Hải Phòng với lợi thế hội tụ cả 5 loại hình giao thông quan trọng, là cầu nối giao thương với mọi khu vực trên cả nước cùng định hướng trở thành trung tâm kinh tế vùng Duyên hải Bắc Bộ, nhu cầu về bất động sản công nghiệp ở đây sẽ còn gia tăng.
Tuy nhiên hiện tại, trong bối cảnh nhu cầu từ các nhà đầu tư Trung Quốc và Hàn Quốc tăng cao, nhất là với dự án có sẵn kho bãi, nhà xưởng quy mô dưới 3 ha ở khu vực vùng ven thì địa phương lại chưa đáp ứng đầy đủ.
Ngoài ra, lực lượng môi giới hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp còn ít và chưa chuyên nghiệp. Lý do là bởi phân khúc này đòi hỏi môi giới cần có trình độ chuyên môn cao, thời gian thực hiện giao dịch trung bình cũng khá lâu.