Ngày 9/5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu (C03), Bộ Công an khám xét toàn bộ hệ thống cửa hàng điện thoại Nhật Cường mobile.
Theo thông tin trên website, Nhật Cường mobile thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường, có giấy phép ĐKKD số 01011.38364 do Sở KHĐT Hà Nội cấp ngày 20/6/2001. Người đại diện pháp luật là ông Bùi Quang Huy, với ngành nghề kinh doanh chính là Bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông.
Xác nhận với Tiền Phong chiều 9/5, một cán bộ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu và gian lận thương mại (BCĐ 389 quốc gia) cho hay, sáng nay họ nhận được thông báo của C03 về việc khám xét chuỗi cửa hàng Nhật Cường mobile và nhà ở, trụ sở làm việc của lãnh đạo công ty này. Dù không "tiết lộ" nguyên nhân kiểm tra nhưng theo vị này nhận định sẽ "liên quan đến nhiều vấn đề" chứ không chỉ riêng về dấu hiệu nhập hàng lậu.
Đại diện Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia cũng cho hay, chuyên án này do C03 Bộ Công an xác lập và điều tra, không liên quan đến các vụ bắt điện thoại di động nhập lậu trước đây của lực lượng 389 quốc gia.
Nguồn tin riêng của Tiền Phong cho hay, Nhật Cường Mobile có nhập khẩu điện thoại qua cả các cửa khẩu ở Lạng Sơn và Hà Nội. Ngay lập tức, phóng viên liên hệ với Tổng cục Hải quan để xác minh. Tuy nhiên đại diện phía tổng cục cho biết: “Theo quy định của Luật Thống kê, Hải quan không được cung cấp cụ thể thông tin doanh nghiệp nhập khẩu, chỉ có thể cung cấp số liệu chung về nhập khẩu điện thoại và trị giá”.
Tang vật 250 iPhone XS bị Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) tạm giữ trong hành lý xách tay của 4 hành khách từ Mỹ về Việt Nam cuối tháng 9/2018.
Đáng chú ý, cũng liên quan đến mặt hàng điện thoại di động, gần đây nhất, lúc 22h30 ngày 19/1, Cục C03 đã bắt quả tang đối tượng Đặng Đức Thịnh (SN 1989, thường trú Quảng Ninh) đi chuyến bay VN415 từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) về Nội Bài, nhập lậu 856 điện thoại Samsung và Iphone. Vụ việc được phát hiện tại khu vực công cộng của ga đến, nhà ga hành khách quốc tế T2, Nội Bài.
Cuối tháng 9/2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) cũng tạm giữ lô hàng hơn 250 điện thoại iPhone XS trong hành lý xách tay của 4 hành khách từ Mỹ về Việt Nam. Các hành khách này không xuất trình được giấy đăng ký kiểm tra chất lượng theo quy định. Tổng trị giá lô hàng vi phạm ước tính khoảng 6,5 tỉ đồng.
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho hay, qua rà soát, Nhật Cường mobile không có hoạt động nhập khẩu điện thoại qua địa phương này. Đồng thời, họ cũng không liên quan tới vụ bắt 250 chiếc iPhone XS tháng 9/2018.
Còn lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hà Nội cho biết, vụ nhập lậu 856 điện thoại Samsung và iPhone do C03 phát hiện và bắt giữ, hiện họ vẫn đang điều tra, đơn vị không được cung cấp thêm thông tin gì về vụ việc này.
Hồi 3 giờ ngày 7/5, tại thôn Cã Ngoài, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, lực lượng Quản lý thị trường và Công an Lạng Sơn đã kiểm tra xe ô tô loại 7 chỗ ngồi BKS 30A-889.52 đang lưu thông từ Lạng Sơn về Hà Nội vận chuyển hàng hóa nhập lậu.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện xe ô tô đượchoán cải các ghế ngồi tạo thành các hầm cốp nhằm cất giấu 578 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu iPhone 5s, iPhone 6, iPhone 6s, iPhone 6 Plus, iPhone 7, iPhone 7 Plus, iPhone 8 Plus, iPhone X, iPhone XR, iPhone XS, Sam Sung Galaxy Plus…
Trong đó, có 220 chiếc điện thoại iPhone 5s, iPhone 6 là mặt hàng đã qua sử dụng.
Toàn bộ số điện thoại di động trên do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Kinh doanh 16:06 | 26/05/2020
Kinh doanh 13:33 | 23/01/2020
Kinh doanh 15:32 | 28/12/2019
Kinh doanh 06:47 | 30/11/2019
Kinh doanh 16:46 | 29/11/2019
Kinh doanh 17:46 | 10/07/2019
Thời sự 11:37 | 21/05/2019
Kinh doanh 15:38 | 15/05/2019