Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. (Ảnh: Quochoi.vn)
"Khi tổ chức ra bộ máy thì phải dựa trên năng lực, quyền hạn, vai trò của từng cơ quan để từ đó hướng tới mục tiêu làm việc có lợi cho dân cho nước chứ không phải là đi 'tranh giành' việc của nhau" - đại biểu Nguyễn Thị Quyết tâm (TP HCM) cho rằng cần hết sức cân nhắc đề xuất giảm bớt số lượng cấp phó tại HĐND tỉnh, huyện.
Trình bày tờ trình về dự án luật sửa đổi sáng 10/6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết đối với Luật tổ chức chính quyền địa phương, trong quá trình xây dựng dự án có ý kiến khác nhau về giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng phó trưởng ban của HĐND cấp tỉnh.
Theo Bộ trưởng Tân, ở luồng ý kiến thứ nhất, nhiều đại biểu thống nhất giảm số lượng 2 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay xuống còn 1 nhằm đáp ứng đa mục tiêu, góp phần tinh giản biên chế.
Ngược lại, nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên số lượng như hiện nay để đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong bối cảnh đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đối với chính quyền địa phương.
Chủ đề này tiếp tục có nhiều ý kiến qua lại trong phần thảo luận sáng 10/6. Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) nêu bối cảnh lịch sử của bộ máy HĐND đã từng được "nâng lên đặt xuống": chúng ta đã từng đặt vấn đề bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường, tuy nhiên sau đó Quốc hội đã "sửa sai" và khẳng định vai trò không thể xóa bỏ của HĐND.
Từ khi Luật tổ chức chính quyền địa phương ra đời, hoạt động của HĐND các cấp đã hiệu quả hơn, đi vào thực tế và giảm hình thức. Những đóng góp tích cực của HĐND nói chung, trong đó có bộ máy lãnh đạo cơ quan dân cử này, là rất lớn.
Từ đó, ông Thưởng cho rằng đặt vấn đề cắt giảm số lượng đại biểu cũng như số lượng cấp phó tại HĐND cần có đánh giá thận trọng, đặc biệt là tại các tỉnh, thành lớn.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu ý kiến về Luật tổ chức chính quyền địa phương sáng 10/6. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) thì đặt câu hỏi về mục tiêu của việc sửa đổi luật lần này có thật sự cởi bỏ các nút thắt trong tính hiệu quả của HĐND hay chỉ là sự cầm cự. Ông Nhân tán đồng chủ trương tinh giản biên chế nhưng cũng cho rằng không nên vì thế mà cắt giảm tùy tiện, áp dụng "đồng phục biên chế" một cách thiếu tính toán.
Đại biểu TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng HĐND là cơ quan có vai trò vô cùng quan trọng, là tiếng nói, đại diện cho quyền lợi của người dân. Vì vậy tổ chức HĐND các cấp cần phù hợp, không chỉ với mục tiêu giảm biên chế.
"Vấn đề là khi tổ chức ra bộ máy rồi từ đó phân định, phân công nhau sao cho có lợi cho dân cho nước, không phải là để 'tranh giành' với nhau", bà Tâm nói.
Cựu chủ tịch HĐND TP HCM đồng ý trong chừng mực nào đó cần phải xem xét giảm số lượng nhưng theo bà không nên tiếp cận vấn đề ở góc độ tinh giản để tiết giảm kinh phí. "Điều quan trọng là đánh giá xem có làm đúng vai trò của người đại diện cho dân hay không?", bà Tâm nói.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) nêu ý kiến sáng 10/6 (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cũng đồng tình giữ nguyên số lượng 2 phó chủ tịch HĐND như hiện nay. Nữ đại biểu Bình Phước đề nghị tính toán hết sức thận trọng, không cào bằng ở tất cả các địa phương mà phải dựa trên quy mô của từng tỉnh, thành phố, huyện thị.
"Nếu không xét thực tiễn của từng địa phương, đơn vị, mà chỉ giảm cơ học thì không hiệu quả, dẫn đến chúng ta phải sửa luật thường xuyên", bà Hạnh bày tỏ sự lo lắng.