Toàn cảnh Vành đai 3 qua huyện Đông Anh sẽ khởi công năm tới

Đường Vành đai 3 TP Hà Nội đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh có tổng chiều dài khoảng 15 km, đi qua 9 xã thuộc huyện Đông Anh, với tổng mức đầu tư gần 7.700 tỷ đồng.

Hướng tuyến Vành đai 3 qua huyện Đông Anh dự kiến khởi công vào cuối năm nay.

 Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Đông Anh đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh. Đường Vành đai 3 TP Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 68 km. Hiện nay đã đầu tư xây dựng được 54 km đoạn tuyến từ Nội Bài - Quang Minh - Cầu Thăng Long - Linh Đàm - Thanh Trì - Phù Đồng - Việt Hùng. Đoạn tuyến từ Việt Hùng (từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) đến đường Võ Văn Kiệt dài khoảng 14km chưa được đầu tư xây dựng.  Tuyến đường sẽ kết nối các trục hướng tâm, phân luồng giao thông từ xa, giúp giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô. Trong ảnh: Tuyến có điểm đầu ở đường Võ Văn Kiệt, gần KCN Quang Minh.

 Vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh được HĐND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 4/7/2023. Theo đó dự án được phân chia thành hai dự án thành phần, trong đó có dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh. Trong ảnh là đoạn tuyến qua thôn Thượng Phúc, xã Bắc Hồng đi qua nhiều nhà dân.

 Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh (chủ dự án), tuyến có tổng chiều dài khoảng 15 km, đi qua 9 xã thuộc huyện Đông Anh, TP Hà Nội, cụ thể gồm xã Liên Hà, Việt Hùng, Uy Nỗ, thị trấn Đông Anh, Tiên Dương, Vân Nội, Dục Tú, Bắc Hồng, Nam Hồng. 

 Điểm đầu tuyến nằm tại nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; điểm cuối nằm tại nút giao với đường Võ Văn Kiệt. Trong ảnh: Đoạn tuyến qua thôn Mỹ Nội xã Bắc Hồng cũng có một số nhà dân thuộc diện thu hồi làm đường.

 Về hiện trạng quản lý, sử dụng đất của dự án,  tổng diện tích đất cần thu hồi trong khu vực dự án là khoảng 119 ha, trong đó, đất nông nghiệp chiến 81 ha; đất phi nông nghiệp chiếm hơn 38 ha. Trong ảnh là đoạn tuyến giao với đường Võ Nguyên Giáp. Vành đai 3 sẽ đi dưới cầu vượt đường sắt.

 Khu vực dự án có khoảng 521 hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất ở, 516 hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất nông nghiệp. Các hộ chủ yếu là sinh sống lâu đời trên địa bàn, mỗi nhà có 2 - 3 thế hệ và trung bình khoảng 4 - 6 người/hộ. Trong ảnh là đoạn qua quốc lộ 3 cũ.

 Về quy mô xây dựng dự án, đường phố chính đô thị chủ yếu (cấp đô thị) có quy mô 6 làn xe x 3,75 m = 22,5 m. Tốc độ thiết kế 80 km/h; đường phố gom chủ yếu (cấp khu vực) có quy mô 3 làn xe x 3,5 m = 21 m. Tốc độ thiết kế 60 km/h. 

 Đây là dự án nhóm A, loại công trình giao thông cấp đặc biệt. Tổng mức đầu tư của dự án này hơn 7.690 tỷ đồng, trong đó, chi phí GPMB là 2.277 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 4.435 tỷ đồng; chi phí quản lý 262 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 716 tỷ đồng. Trong ảnh, khu vực bến xe Đông Anh cạnh vành đai 3 đã quây tôn nhưng chưa xây dựng.

 Về tiến độ, tuyến đường này được dự kiến khởi công vào quý IV/2025, dự kiến hoàn thành quý III/2028. 

 Tuyến Vành đai 3 đoạn qua huyện Đông Anh sẽ xây dựng 6 cây cầu, trong đó, có ba cầu vượt trên tuyến chính và ba cầu vượt ngang gồm cầu vượt đường sắt, cầu vượt cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cầu vượt quốc lộ 2 cũ, cầu vượt đường Võ Văn Kiệt.

Tuyến cũng xây dựng các nút giao với đường Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, QL3 cũ và CT Hà Nội - Thái Nguyên.

Trên tuyến đường này, đoạn qua xã Bắc Hồng đi qua nhiều nhà dân, các xã khác chủ yếu đi qua đất nông nghiệp.

Nhằm bổ trợ cho quy hoạch thành phố phía Bắc Hà Nội, bên cạnh tuyến Vành đai 3, huyện Đông Anh cũng có loạt dự án hạ tầng giao thông như xây dựng tuyến đường gom quốc lộ 3 (mới) qua UBND xã Vân Hà đến hết địa phận Đông Anh (dài 1,8 km; rộng 40 m; 278 tỷ đồng); xây dựng tuyến đường từ Hoàng Sa đến đường sắt Hà Nội - Lào Cai (3,7 km; rộng 50 m; 1.239 tỷ đồng). 

Vành đai 3 có nút giao quan trọng với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với hiện trạng nút giao là khu vực đồng ruộng thuận lợi cho việc xây dựng nút giao. Thiết kế nút giao dạng hoa thị hoàn chỉnh sử dụng nhánh rẽ trái trực tiếp (trên nhánh Thái Nguyên đi nút giao Ninh Hiệp), trong đó có nhánh rẽ trái hướng Thái Nguyên – Ninh Hiệp được thiết kế dạng bán trực tiếp với tốc độ thiết kế 80 km/h để ưu tiên cho hướng giao thông quan trọng. Do trong giai đoạn 1 chưa đầu tư Nhánh kết nối về cầu Tứ Liên, do đó sẽ phân kỳ đầu tư chưa đầu tư các nhánh kết nối với cầu Tứ Liên. Trong giai đoạn chưa đầu tư đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng chưa đầu tư cầu vượt đường sắt trên nhánh từ Ninh Hiệp đi Thái Nguyên.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.