Liên quan lùm xùm chuyện mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo lúc nửa đêm (0h Chủ nhật 12/4) và chỉ sau 3 tiếng đồng hồ, hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4 đã đủ, Tổng cục Hải quan vừa tiếp tục lên tiếng đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Tổng cục Hải quan tiếp tục khẳng định các chỉ tiêu thông tin trên hệ thống xử lí dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0h ngày 12/4.
Cơ quan này nhấn mạnh người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, và không có sự can thiệp của công chức hải quan.
Trước những khó khăn hiện nay như phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo "bỏ lỡ" dịp đăng kí xuất khẩu lúc 0h ngày 12/4, Tổng cục Hải quan đề xuất một số kiến nghị về việc quản lí gạo xuất khẩu.
Cụ thể, đối với các lô hàng gạo đang tồn tại cảng chưa xuất khẩu, Tổng cục đề nghị cho phép xuất khẩu các lô hàng gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24/3, nhưng chưa kịp đăng kí tờ khai hải quan tháng 4/2020 được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan. Số lượng gạo xuất khẩu sẽ trừ vào hạn ngạch xuất khẩu.
Theo phản ánh của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, số lượng gạo đang nằm tại cảng thuộc diện này là gần 150.000 tấn.
Hiệp hội cho rằng nhiều doanh nghiệp đang gặp khó từ việc mở tờ khai hải quan lúc nửa đêm, lại vào ngày nghỉ mà không báo trước. Cụ thể, xuất khẩu bị ngưng trệ nhưng các chi phí sản xuất, chi phí quản lí, tiền lương vẫn phát sinh và thậm chí mỗi một ngày trôi qua chất lượng gạo cũng bị ảnh hưởng.
Nếu các lô hàng hóa không được thông quan và xuất khẩu, các thương nhân sẽ bị thiệt hại nặng nề lên tới hàng tỉ đồng, không còn tiền để trả nợ ngân hàng, ảnh hưởng uy tín.
Về quản lí hạn ngạch trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, Tổng cục Hải quan đề nghị lãnh đạo Chính phủ phê duyệt số lượng gạo được phép xuất khẩu (không bao gồm gạo nếp) và định hướng lộ trình, tiến độ xuất khẩu, trên cơ sở đó, giao Bộ Công Thương lựa chọn phương án tối ưu để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cụ thể theo 1 trong 2 phương án.
Phương án 1: Bộ Công Thương tổ chức bán đấu giá hạn ngạch xuất khẩu gạo (tương tự như việc đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường đã và đang được Bộ Công Thương triển khai). Theo đó, Bộ Công Thương công bố công khai hạn ngạch gạo được xuất khẩu và chia thành các gói đấu giá. Doanh nghiệp được phép tham gia đấu giá nếu đáp ứng 3 điều kiện.
Thứ nhất, đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 107 ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Thứ hai, đã trúng thầu cung cấp, kí hợp đồng và hoàn thành việc giao gạo cho Cục Dự trữ Nhà nước khu vực. Thứ ba, kí thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc đảm bảo cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.
Phương án 2: Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh gạo theo quy định tại Nghị định số 107.
Tổng cục Hải quan cho rằng nếu áp dụng phương án 2, khi ban hành quyết định phân bổ hạn ngạch xuất khẩu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần thống nhất về thời điểm bắt đầu áp dụng, để thông báo công khai cho doanh nghiệp biết, bảo đảm công khai minh bạch và Tổng cục Hải quan có thời gian mở lại hệ thống.
Sau khi chấm dứt dịch bệnh Covid-19, các Bộ, ngành cần đánh giá tình hình sản xuất lúa gạo trong nước, nhu cầu dự trữ quốc gia. Nếu đảm bảo ổn định cung cầu thì báo cáo Thủ tướng cho phép doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện việc kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107 không áp dụng quản lí bằng hạn ngạch xuất khẩu.
Liên quan trường hợp đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia nhưng lại "xù", rồi chuyển sang đăng kí xuất khẩu. Tổng cục Hải quan cho rằng hiện nay theo quy định của Luật Đấu thầu, trường hợp nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối kí kết hợp đồng thì bị thu bảo đảm dự thầu từ 1-3% giá gói thầu.
Đơn vị này nhận định quy định hiện nay chưa đủ ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi trúng thầu, do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu để bổ sung quy định chế tài xử lí đối với công tác đấu thầu.
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lí về hải quan, cho biết qua việc rà soát số lượng doanh nghiệp đăng kí các tờ khai xuất khẩu gạo lúc 0h ngày 12/4 vừa qua, Tổng cục Hải quan nhận thấy có dấu hiệu khá bất thường.
Đó là, trong danh sách đăng kí tờ khai xuất khẩu, có những doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo nhưng không đến kí hợp đồng hoặc từ chối kí hợp đồng. Tuy nhiên, khi hệ thống hải quan cho đăng kí tờ khai xuất khẩu thì các doanh nghiệp này lại đăng kí tờ khai xuất khẩu lên tới hàng nghìn tấn.
Theo ông Âu Anh Tuấn, theo quy định tại Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng xuất khẩu trong 6 tháng trước đây. Nhưng, hiện chưa có chế tài buộc doanh nghiệp phải kí hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu gạo dự trữ quốc gia thì mới được xuất khẩu , vì vậy, quy định cần chặt chẽ hơn để có xử lí, chế tài cho hợp lí.