Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến gấp về hạn ngạch 100.000 tấn gạo tạm ứng xuất trong tháng 4

"Trên cơ sở thống kê số lượng gạo còn tồn đọng tại các cảng, số lượng tờ khai có biểu hiện khai khống mà Tổng cục Hải quan báo cáo, Bộ Công Thương đề nghị quý Bộ cho ý kiến gấp về phương án điều phối hạn ngạch và sử dụng 100.000 tấn gạo được tạm ứng trước", Bộ Công Thương đề nghị.

Bộ Công Thương trong sáng nay, 22/4, đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Tài chính, sau ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về công tác triển khai, thực hiện chỉ đạo của Thủ tuớng về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn ngày 10/4.

Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến gấp về hạn ngạch 100.000 tấn gạo tạm ứng xuất trong tháng 4 - Ảnh 1.

Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến gấp về hạn ngạch 100.000 tấn gạo tạm ứng xuất trong tháng 4. (Ảnh: VnExpress).

Tại văn bản này, Bộ Công Thương cho biết việc xuất khẩu nếp, gồm thóc nếp, gạo nếp, tấm nếp trong tháng 4/2020, được thực hiện theo nhu cầu thị trường, không chịu sự điều chỉnh của cơ chế điều hành xuất khẩu gạo, tại văn bản ban hành ngày 10/4.

Số lượng gạo nếp đã mở tờ khai hải quan xuất khẩu trong tháng 4, kể cả số lượng đã thực xuất, được cộng trở lại số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính phối hợp chỉ đạo Tổng cục Hải quan, yêu cầu cơ quan Hải quan tại các cửa khẩu quốc tế, thống kê số lượng gạo của các thương nhân đang ở cảng hoặc cửa khẩu nhưng chưa đăng kí được tờ khai hải quan xuất khẩu, theo phương thức điều hành xuất khẩu gạo đã được Thủ tướng phê duyệt.

Cụ thể, thống kê theo tên thương nhân, lượng gạo tồn tại cảng, ngày đưa hàng vào cảng.

Đồng thời, thống kê số lượng gạo của các thương nhân đã mở tờ khai hải quan xuất khẩu nhưng có dấu hiệu khai khống để giữ chỗ, như không có số container, số seal hoặc tên tàu và cho tới nay chưa thực hiện tờ khai hải quan xuất khẩu đã được đăng kí.

"Trên cơ sở thống kê số lượng gạo còn tồn đọng tại các cảng, số lượng tờ khai có biểu hiện khai khống mà Tổng cục Hải quan báo cáo, Bộ Công Thương đề nghị quý Bộ cho ý kiến gấp về phương án điều phối hạn ngạch và sử dụng 100.000 tấn gạo được tạm ứng trước theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng", Bộ Công Thương nêu.

Đây là hạn ngạch được tạm ứng trước để xử lí cho các thương nhân có gạo đưa vào cảng trước ngày 24/3/2020, nhưng chưa đăng kí được tờ khai hải quan xuất khẩu được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan.

Bộ Công Thương cho biết 2 Bộ sẽ cùng phối hợp xem xét, quyết định phương án xử lí trên cơ sở bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, dễ thực hiện, dễ giám sát.

Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan định kì cung cấp cho Bộ Công Thương số liệu xuất khẩu gạo như Bộ Công Thương đã đề nghị để thực hiện tốt việc phối hợp.

Phó Thủ tướng phê bình 2 Bộ Công Thương, Tài chính về việc xuất khẩu gạo

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo hôm 20/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phê bình các Bộ Công Thương, Tài chính liên quan phản ánh gần đây của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cho rằng cơ quan hải quan đã không minh bạch trong việc mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm, trong khi hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 chỉ 400.000 tấn.

Phó Thủ tướng cho rằng sự phối hợp trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chưa chặt chẽ, hài hòa.

Điều này ảnh hưởng lớn đến nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng trong việc vừa phòng chống dịch vừa tập trung phát triển sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, bảo đảm đời sống của người dân.

"Tôi yêu cầu Bộ Công Thuơng và Bộ Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc phối hợp triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phê bình. 

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nhận định việc mua dự trữ gạo không đạt mục tiêu và tiến hành rất chậm. 

Ông yêu cầu Bộ Tài chính chịu trách nhiệm mua đủ lượng dự trữ quốc gia, lưu ý cơ chế về thủ tục, giá, những cam kết, ràng buộc giữa các bên để bảo đảm mua đủ lượng dự trữ, tránh tình trạng doanh nghiệp không bán cho Nhà nước do giá thấp hơn giá thị trường. 

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.