Tổng Kiểm toán Nhà nước nói về việc kiểm toán giá điện

Bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, sau khi các ĐBQH có ý kiến đề nghị, nếu được Chính phủ hoặc Quốc hội giao thì Kiểm toán Nhà nước sẽ vào cuộc kiểm toán giá điện.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Đức Phớc, Kiểm toán Nhà nước muốn vào cuộc phải có 3 điều kiện: Một là, theo kế hoạch kiểm toán hằng năm đã được Quốc hội thông qua; hai là theo yêu cầu của đơn vị kiểm toán; ba là làm theo yêu cầu của Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

"Đợt này, nếu Chính phủ và Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Nhà nước kiểm toán giá điện thì chúng tôi sẽ bố trí lực lượng để kiểm toán theo yêu cầu. Nếu Chính phủ không yêu cầu mà Quốc hội yêu cầu thì vẫn sẽ kiểm toán", ông Hồ Đức Phớc cho biết.

Cũng theo đại biểu Hồ Đức Phớc, Thanh tra Chính phủ chỉ làm theo vụ việc, còn để đánh giá toàn diện chi phí giá điện thì nên giao cho kiểm toán.

Tổng Kiểm toán Nhà nước nói về việc kiểm toán giá điện - Ảnh 1.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trả lời phỏng vấn báo Tin tức. (Ảnh: TTXVN).

Trước đó, Báo cáo giải trình của Chính phủ về cơ sở tăng giá điện gửi tới Quốc hội đã có một số đại biểu Quốc hội cho rằng "chưa thuyết phục" và đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc.

Tại phiên thảo luận ở tổ về KT-XH ngày 22/5, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng Chính phủ đã có giải trình về cơ sở tính giá điện, nhưng cần làm rõ hơn để người dân yên tâm.

Đại biểu đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán lại giá điện và giá xăng dầu xem có đúng như đề xuất của các cơ quan hay không.

"Nếu Kiểm toán vào cuộc, trả lời thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch. Kiểm toán nên vào cuộc cho cử tri yên tâm", ông Nguyễn Hữu Cầu đề nghị.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, bà Lê Thu Hà, ĐBQH tỉnh Lào Cai cho rằng để Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán cách tính chi phí đầu vào giá điện cũng như kinh doanh điện là đúng.

Cũng tại phiên thảo luận ngày 22/5, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, tới đây sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và điều hành giá điện năm 2019.

Trước đề xuất của các ĐBQH muốn Kiểm toán Nhà nước vào cuộc xem xét việc điều hành giá điện và báo cáo tài chính của EVN, bên hành lang Quốc hội, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN cho biết việc kiểm toán giá điện là tốt. Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán về giá điện và không phát hiện sai phạm.

"Sau đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương, hiện Thanh tra Chính phủ đang phối hợp với các bộ, ngành vào kiểm tra giá điện và đã làm việc với EVN. Chúng tôi đã cung cấp đầy đủ tài liệu với đoàn kiểm tra", ông Dương Quang Thành cho hay.

Giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,36% từ ngày 20/3. Đến cuối tháng 4, rất nhiều cử tri bức xúc khi hóa đơn tiền điện tăng mạnh, thậm chí tăng gấp 2 - 3 lần.

Lý giải nguyên nhân sau đó, Bộ Công Thương và EVN cho biết có 3 nguyên nhân: Chỉ số công tơ tháng 4 dài hơn 3 ngày so với tháng 3; sản lượng điện dùng tăng do thời tiết nắng nóng và giá bán lẻ bình quân tăng. Tuy nhiên, lý giải này chưa nhận được sự đồng tình từ dư luận.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.