Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được xây NOXH bằng nguồn tài chính công đoàn

Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa chính thức được Quốc hội thông qua. Như vậy, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ được tham gia đầu tư xây nhà ở xã hội, nguồn vốn thực hiện dự án là nguồn tài chính công đoàn.

Sáng nay 27/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với tỷ lệ biểu quyết tán thành chiếm 85,63%. 

Trong đó, có nội dung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nguồn vốn thực hiện dự án của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là nguồn tài chính công đoàn. 

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn, việc xác định chủ đầu tư được thực hiện theo quy định áp dụng với dự án đầu tư công.Việc quản lý và triển khai dự án sẽ do đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện theo quy định.

Bên cạnh đó, một số quy định về ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội sử dụng nguồn tài chính công đoàn cũng đã được bổ sung thêm.   

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, nhiều ý kiến tán thành phương án 1 quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê.  

Có ý kiến cho rằng, chỉ nên giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư dự án nhà ở xã hội mẫu, điển hình. Song cũng có ý kiến cho rằng, phương án nào cũng có ưu điểm, hạn chế, do đó đề nghị lấy phiếu đối với từng phương án.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

 Một dự án nhà ở xã hội đang triển khai (Ảnh: Hạ Vũ)

Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 26/10 tại nghị trường Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), liên quan đến việc Tổng liên đoàn tham gia vào xây dựng nhà ở xã hội, Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội từng cho rằng điểm tích cực là có thể gia tăng thêm nguồn cung nhà ở cho người lao động. Song, khi chủ đầu tư nhà ở và người lao động gặp vấn đề về chất lượng công trình, ai sẽ là người đứng ra phản biện.

“Công đoàn là đại diện cho tiếng nói của người lao động nên để xảy ra thiếu nhà ở cho công nhân, công đoàn cũng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, tổ chức công đoàn có thể là chủ đầu tư nhà ở cho người lao động nhưng chỉ với những dự án mẫu để làm điển hình và để công đoàn làm cơ sở có tiếng nói với các cơ quan khác.

Nên tính toán, cân nhắc, không nên vì các bên cung cấp không tốt, không đủ mà Tổng Liên đoàn đứng ra làm thay vai trò của các doanh nghiệp bất động sản”, đại biểu nêu kiến nghị. 

chọn
Lãnh đạo ngành địa ốc nói gì về ba luật mới?
Các doanh nghiệp địa ốc bước vào mùa ĐHĐCĐ năm 2024 trong bối cảnh ba luật lớn về bất động sản vừa được thông qua. Cùng điểm lại những góc nhìn của lãnh đạo Vinhomes, Đạt Phương, Lideco... xoay quanh sự tác động của các luật này.