Phần Lan cùng các nước láng giềng ở khu vực Bắc Âu gồm Đan Mạch (vị trí thứ 2), Iceland (vị trí thứ 3), Thụy Điển (vị trí thứ 6) và Na Uy (vị trí thứ 7) đều đạt được điểm số rất cao trong bảng xếp hạng các chỉ số mà Báo cáo Hạnh phúc Thế giới sử dụng để xếp hạng.
Cụ thể, bảng xếp hạng dựa trên các tiêu chí sau: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ trung bình, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức về tham nhũng. Mỗi tiêu chí trên được đánh giá trên thang điểm từ 0 đến 10, được theo dõi liên tục và so sánh với các quốc gia khác.
Trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2023, Israel đã tăng lên vị trí thứ 4, Hà Lan ở vị trí thứ 5, Thụy Sĩ ở vị trí thứ 8, Luxembourg ở vị trí thứ 9 và New Zealand ở vị trí thứ 10.
Các quốc gia gồm Australia (12), Canada (13), Ireland (14), Mỹ (15) và Anh (19) vẫn có mặt ở trong top 20 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới của năm 2023.
Lithuania, một quốc gia thuộc vùng Baltic đã thăng hạng đều đặn trong 6 năm qua từ vị trí thứ 52 vào năm 2017 tăng lên vị trí 20 trong danh sách mới được công bố. Các quốc gia thuộc vùng Baltic khác như Estonia ở vị trí 31 và Latvia ở vị trí 41 cũng tăng hạng trong năm 2023.
Trong khi đó, Pháp đã rời khỏi top 20 và xuống vị trí thứ 21 trong bảng xếp hạng năm nay.
Việt Nam đã tăng lên vị trí thứ 65 trong bảng xếp hạng, tăng 12 bậc so với năm 2022.
Bảng xếp hạng cũng cho thấy, đa phần các quốc gia trên thế giới đều đang có tốc độ phục hồi tâm lý một cách tích cực, trong bối cảnh phải đối mặt với những thách thức từ cuộc khủng hoảng năng lượng và kinh tế toàn cầu.
Khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang diễn ra, cả hai nước đều trở thành tâm điểm chú ý trên thế giới khi báo cáo năm 2022 được công bố. Theo bảng xếp hạng đánh giá của năm 2023, Nga đang đứng ở vị trí 70 và Ukraine ở vị trí 92 những quốc gia hạnh phúc nhất.
Bên cạnh các quốc gia với thứ hạng cao, báo cáo này đồng thời cũng xem xét đến những nơi mà người dân cảm thấy không hạnh phúc nhất. Những quốc gia đứng ở cuối bảng xếp hạng đầu là những nước đang bị chiến tranh tàn phá, thiệt hại nặng nề.
Afghanistan là quốc gia đứng ở vị trí 137 và Lebanon cao hơn 1 bậc với vị trí thứ 136. Theo đánh giá về tuổi thọ trung bình của những quốc gia này đều có số điểm thấp hơn 5 (trên thang 10) so với các quốc gia nằm trong top 10.
Sau khi bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới được công bố, mọi người đều thắc mắc điều gì đã khiến Phần Lan trở thành một quốc gia hạnh phúc như vậy. Theo chia sẻ từ các chuyên gia của Đại học Aalto ở Phần Lan, có một số những yếu tố cơ bản như sau:
- Tuổi thọ trung bình của một quốc gia: Chỉ số càng cao chứng tỏ đời sống của người dân càng tốt
- GDP bình quân đầu người: Thu nhập bình quân trung bình của một người
- Hỗ trợ xã hội: Khoản tiền hoặc tài sản, hiện vật khác do Nhà nước hoặc các tổ chức phi chính phủ cấp cho các hoàn cảnh gặp khó khăn
- Nhận thức về tham nhũng: Quốc gia có tỷ lệ tham nhũng thấp thì đời sống của người dân càng được nâng cao và hạnh phúc
- Sự hào phóng trong cộng đồng: Cách mọi người quan tâm và chăm sóc nhau
- Quyền tự do lựa chọn cuộc sống: Người dân tự do đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống của mình
Ông Frank Martela, Giảng viên Đại học Aalto cho hay: “Phần Lan là một quốc gia vượt trội về khả năng của hệ thống phúc lợi xã hội trong việc giúp cho các công dân cảm thấy họ được chăm sóc”.
Ngoài ra, các yếu tố như trợ cấp thất nghiệp khá hào phóng, dịch vụ chăm sóc y tế gần như miễn phí đã giúp hạn chế các nguyên nhân khiến người dân cảm thấy không hạnh phúc. Điều này cũng đảm bảo rằng ngày càng có ít người dân Phần Lan cảm thấy không hài lòng với cuộc sống hiện tại của họ.
Bên cạnh đó, kế hoạch đô thị của Phần Lan cũng khiến người dân cảm thấy khỏe mạnh và vô cùng an toàn.
Giáo sư Marketta Kyttä cho biết: "Môi trường đóng vai trò lớn đối với mức độ hạnh phúc của một người và điều này khiến chủ đề tăng cường sức khỏe trong các thành phố có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này có liên hệ chặt chẽ với sự ổn định xã hội và cảm giác kết nối với cộng đồng".