TP HCM cần được thí điểm thu thuế bất động sản để phát triển hạ tầng giao thông

Nhận định hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn cho sự phát triển tại các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt quy hoạch thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, TS Dương Như Hùng đề ra 8 kiến nghị giải quyết vấn đề này.

Ngày 29/6, Đại học Quốc gia TP HCM phối hợp UBND TP HCM tổ chức hội thảo "Hạ tầng giao thông Nam Bộ: Vấn đề và giải pháp phát triển", nhằm trao đổi các kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm quốc tế và đưa ra giải pháp khả thi để nghiên cứu áp dụng trong lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo hình thức PPP.

TS Hung

TS Dương Như Hùng. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Phát biểu tại hội thảo, TS Dương Như Hùng (đại diện nhóm chuyên gia ĐHQG TP HCM) nhận định hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn cho sự phát triển tại các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt quy hoạch phát triển thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương.

Theo ông Hùng, nếu chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam tăng 10% thì thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên đầu người tăng 24%. Tương tự, với mức tăng chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông ở mức 10% thì mức thu nhập đầu người cũng sẽ tăng 23%...

Theo đó, ông nêu ra 8 kiến nghị để giải quyết vấn đề này. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh việc "vùng Nam Bộ cần có một nhạc trưởng điều phối quản lí cấp vùng". "TP HCM phù hợp với vai trò 'nhạc trưởng', nhưng cần phải có nguồn lực để thực hiện vai trò này, đại diện nhóm chuyên gia ĐHQG TP HCM nêu.

Ông Hùng cũng thông tin nhu cầu vốn phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020 cần 1 triệu tỉ đồng nhưng thực tế chỉ đáp ứng 1/5. Trong đó, TP HCM cần 500.000 tỉ đồng nhưng chỉ cân đối được 122.000 tỉ và chỉ bố trí được 61.000 tỉ.

DSC05468

Ông Hùng đưa ra 8 kiến nghị. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Bên cạnh đó, ông Hùng kiến nghị việc quy hoạch hệ thống giao thông ĐBSCL cần dựa trên chiến lược liên kết vùng ứng phó với tác động biến đổi khí hậu. Ngoài ra, để có thêm nguồn lực, ông Hùng ủng hộ với ý kiến đề xuất của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân với Chính phủ tại Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 18/6 mới đây là "TP HCM giữ lại 20% trong nguồn ngân sách đóng góp về trung ương để phát triển hạ tầng giao thông".

Ông Hùng nhận định TP HCM cần được thí điểm thu thuế bất động sản để phát triển hạ tầng GTVT. Nguồn thu này sẽ giúp thành phố nâng cao năng lực phát hành trái phiếu xây dựng hạ tầng GTVT.

Đồng thời, PPP được đánh giá ông là chủ trương đúng đắn để thu hút đầu tư hạ tầng GTVT, nhưng chính phủ cần sớm xây dựng Luật PPP để giải tỏa các quan ngại của nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá hiệu quả các dự án sau khi hoàn thành. ĐHQG cần đóng vai trò phản biện khách quan, khoa học trước, trong và sau các dự án hạ tầng phát triển vùng; hỗ trợ các địa phương đào tạo nhân lực quản lí quy hoạch và ứng dụng công nghệ trong quản lí hạ tầng GTVT.

DSC05469

Ông Lê Đỗ Mười phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Ngự Kỳ).

Có mặt tại hội thảo, ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) sau đó đề cập đến tính kết nối hạ tầng giao thông Đông - Tây Nam Bộ. Theo ông Mười, TP HCM cần sớm khép kín đường vành đai. "Không chỉ tăng tính kết nối mà còn giải quyết ùn tắc giao thông tại một số cửa ngõ ở TP HCM, các phương tiện không phải đi xuyên tâm nữa", ông lí giải.

Ngoài ra, ông Mười còn cho rằng việc đầu tư một số đoạn đường vành đai 3 và 4 để tăng thêm tính kết nối đặc biệt là khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động cũng cần sớm được xúc tiến.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.