Ngày 30/7, tại Hà Nội, Thành ủy, UBND TP HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến các bộ ngành góp ý cho đề án “Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030”.
Theo đề án tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM của Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, trong giai đoạn năm 2021-2030, TP HCM cần nguồn kinh phí cực kì lớn, gần 1 triệu tỉ đồng để đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông.
Đặc biệt ưu tiên tập trung cho các công trình giao thông trọng điểm, liên kết vùng, các công trình giải quyết ùn tắc giao thông khu vực sân bay, cảng, cửa ngõ TP với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 606.000 tỉ đồng.
Do vậy, TP HCM đề xuất xin tăng tỉ lệ điều tiết giữ lại lên 23% giai đoạn 2022-2025; 26% giai đoạn 2026-2030 (bằng với tỉ lệ điều tiết thời kì ổn định ngân sách hai giai đoạn trước liền kề 2011-2016; 2007-2010).
Mục tiêu là để TP có dư địa tập trung vào các công trình trọng điểm, nâng cấp hạ tầng giao thông trong thời gian tới, tạo sức lan tỏa cho các vùng kinh tế lân cận, nhất là vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng ĐBSCL.
Khi hiệu quả đầu tư công phát huy sẽ tạo động lực làm tăng Tổng thu NSNN trên địa bàn lên 17,35% trong giai đoạn 2022-2030.
Như vậy, việc cho phép TP quay về tỉ lệ điều tiết ngân sách trước đây vừa làm tăng nguồn ngân sách nộp về Trung ương, vừa làm tăng ngân sách để lại cho TP đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kĩ thuật và tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng cao hơn.
Theo đề án, khi tỉ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 23%, tốc độ tăng thu NSNN chuyển Trung ương bình quân giai đoạn 2022-2025 sẽ tăng thêm 1,41%. Khi đó, tổng thu NSNN chuyển Trung ương sẽ tăng thêm 39.599 tỉ đồng, tương đương tăng thêm 1,7 tỉ USD.
Khi tỉ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 26%, tốc độ tăng thu NSNN chuyển Trung ương bình quân giai đoạn 2026-2030 sẽ tăng thêm 3%. Khi đó, tổng thu NSNN chuyển Trung ương sẽ tăng thêm 343.861 tỉ đồng, tương đương tăng thêm 14,76 tỉ USD.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đề án “Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030” là để tăng thu ngân sách nộp về Trung ương và tăng thu ngân sách để lại cho TP, tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững.
Đề án được thực hiện theo chủ trương tại Nghị quyết số 16-NQ/TW năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020. Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM không phải sẽ giảm đóng góp ngân sách Trung ương, mà là để tăng lên.
Bởi năng suất lao động của TP HCM rất cao, gấp 2,7-2,9 lần cả nước. Hệ số đòn bẩy chi ngân sách của TPHCM cũng rất cao, một đồng chi ngân sách của TP HCM có thể tạo ra 9 lần, thậm chí 10-14 lần đầu tư xã hội. Do đó, nếu tăng 1 đồng chi ngân sách cho TP HCM thì ngân sách Trung ương sẽ thu được nhiều hơn.