TP HCM chuẩn bị mời thầu xây trung tâm triển lãm quốc tế ở Thủ Thiêm

Trong đấu thầu các dự án, công trình theo hình thức đối tác công tư (PPP) thời gian tới, TP HCM sẽ ưu tiên nhà đầu tư có năng lực thực hiện trọn gói dự án, từ ý tưởng thiết kế, thi công đến quản lí khai thác, hạn chế bố trí vốn ngân sách.
 - Ảnh 1.

TP .HCM thông tin nhiều chính sách mới trong kêu gọi đầu tư với các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. (Ảnh: N.BÌNH).

Hiện TP HCM đang chuẩn bị mời đấu thầu cho dự án xây dựng trung tâm triển lãm quốc tế ở Thủ Thiêm, Quận 2, và thành phố dự kiến chỉ sẽ chọn nhà thầu có năng lực hoàn chỉnh, thực hiện trọn gói từ phụ trách thiết kế, thi công và cả khai thác. 

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết như vậy về chủ trương mới trong kêu gọi đầu tư công của TP HCM tại buổi làm với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chiều 11/7.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, do đặc thù phân bổ nguồn vốn từ trung ương về chỉ khoảng 8% số thu, tương đương mỗi năm TP HCM chỉ nhận khoảng 70.000 tỉ đồng, sau khi chi cho thường xuyên, số tiền còn lại rất ít. Do đó, TP HCM rất quan tâm đến các phương thức kêu gọi đầu tư đối tác công tư (PPP) khác nhau. 

Gần đây, lãnh đạo TP HCM đang xem xét, đánh giá lại hình thức hợp tác PPP, làm sao cho hình thức kêu gọi đầu tư này ngày càng hiệu quả hơn. Mối quan hệ hợp tác PPP phải đẩy mạnh, nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư tư nhân.

Theo đó, khi thực hiện đấu thầu, chọn nhà đầu tư đối tác công tư, TP ưu tiên chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện từ ý tưởng, thiết kế, thi công đến quản lí, khai thác. Nhà nước có quỹ đất giao cho nhà đầu tư đồng thời lựa chọn hình thức thu thuế hợp lí.

"Với cách làm này, TP HCM hạn chế tối đa việc bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình, mà làm sao xử dụng nguồn đất cho hiệu quả nhất, đảm bảo mục tiêu xây dựng đúng chủ trương", ông Tuyến cho biết. 

Cách làm này cũng sẽ được áp dụng trong các dự án như công trình thể thao Rạch Chiếc, các công trình văn hoá nghệ thuật... để tiết kiệm ngân sách, giảm áp lực nợ công, phát triển đồng bộ kết nối hạ tầng và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các thành phần kinh tế.

Trong thoả thuận, các công trình này cũng sẽ được đảm bảo phục vụ một số hoạt động sự nghiệp khi TP HCM cần. 

Trước đó, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Eurocham Việt Nam, cho biết doanh nghiệp châu Âu rất quan tâm đến dự thảo Luật về hợp tác công tư PPP đang được Bộ kế hoạch - đầu tư lấy ý kiến và dự kiến trình lên chính phủ trong tháng 7 này. 

Các doanh nghiệp châu Âu mong muốn thông qua các hội thảo, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, các chiến lược và mô hình hiệu quả bao gồm phân bổ rủi ro, cho phép các vấn đề môi trường về xử lý PPP tại Việt Nam và TP HCM, hợp lí hóa các chính sách và hướng dẫn liên quan đến PPP sao cho thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. 

Cũng theo ông Nicolas Audier, các ý kiến nếu được đóng góp trước khi dự thảo luật thông qua cũng sẽ đảm bảo cơ hội, sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế cũng như các nhà tài trợ trong các dự án PPP tại TP HCM. 

chọn
'Dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít'
Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho rằng trong thời điểm này, khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa phục hồi rõ rệt thì dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít.