Cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 và quận 2, bắc qua sông Sài Gòn, được khởi công từ tháng 2/2015 và dự kiến hoàn thành tháng 4/2018 nhưng đến năm 2019 người dân vẫn chưa thấy hình hài, bóng dáng cây cầu đâu. Hồi giữa tháng 5/2019, Sở GTVT và chủ đầu tư cho biết dự kiến sẽ thông cầu vào ngày 30/4/2020. Tuy nhiên, ngày 4/7, Sở GTVT thông tin khả năng đến ngày 30/4/2020 chưa thể thông cầu mà chỉ có thể hợp long cầu.
Theo ghi nhận của PV, hơn một tháng nay, một phần mặt đường đường Tôn Đức Thắng (quận 1) bị rào chắn để phục vụ thi công cầu Thủ Thiêm 2.
Tuy nhiên, vào giờ cao điểm sáng tối, trên đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh đều rơi vào tình trạng kẹt xe nghiêm trọng mặc dù đoạn đường này luôn có lực lượng phân luồng giao thông. Nguyên nhân là do lưu lượng giao thông lớn, cộng với mặt bằng bị thu hẹp.
Ghi nhận tại khu vực thi công cầu Thủ Thiêm 2, hiện có khoảng 10 kĩ sư và 50 công nhân đang miệt mài làm việc mặc dù thời tiết không ổn định, lúc mưa lúc nắng. Lớp nhựa đường dẫn vào khu đô thị mới Thủ Thiêm đã xong, hệ thống thoát nước tại hai phía bờ quận 1, quận 2 cũng đang được tiến hành.
Hiện tại các tổ công nhân đang hoàn thành giai đoạn đà giáo, cốt pha, sắt thép, cát dầm của phân đoạn từ trụ S5-S3. Anh NMC, một kĩ sư tại công trình, cho biết giai đoạn này cần 70-75 ngày nữa mới hoàn thành. Anh C. cho biết thêm, phần cầu chính của cầu Thủ Thiêm 2 bao gồm bốn trụ S1, S2, S3, S4 và mố S5, trong đó trụ chính S2 là trụ tháp nghiêng về phía Thủ Thiêm. Các khâu chuẩn bị khác như nhập hàng cáp dây văng, gối cầu cũng đang lần lượt triển khai.
“Công trình đã thực hiện được một năm, để làm một cây cầu cần rất nhiều công đoạn, nhiều phần và nhiều chi tiết, cho nên hệ thống đà giáo, khung chống phải làm đến nửa năm trời để đảm bảo chất lượng. Đưa ra kế hoạch rõ ràng triển khai cho ngày hôm sau làm những gì để đẩy nhanh công việc, chủ yếu làm việc với máy móc và phổ thông tay chân” - anh C. chia sẻ.
Một công nhân thi công công trình cho hay: “Để đẩy nhanh tiến độ, chúng tôi phải chia nhau ra làm ba ca một ngày, gồm ba ca chính: Ca ngày (từ 7h sáng đến 17h), ca đêm (từ 18h đến 24h) và ca cuối cùng (từ 24h đến 6h sáng hôm sau). Có những ngày trời nắng phải phơi nắng suốt gần 10 tiếng đồng hồ, người như bị nướng”.
Một công nhân khác cho biết có một số người tăng ca tại công trình từ ca đêm đến sáng mới được nghỉ. “Do đến mùa mưa nên công trình đang được gấp rút thi công cả ngày lẫn đêm. Trừ trường hợp trời mưa quá to, còn không chúng tôi vẫn phải làm việc suốt đêm” - công nhân này cho biết.
Công trường thi công dự án cầu Thủ Thiêm 2. (Ảnh: THU TRINH)
Hiện nay nhu cầu đi lại từ khu đông vào trung tâm TP ngày càng gia tăng. Cụ thể, tại các quận 2, 9, Thủ Đức và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu… thì chỉ có thể lưu thông vào các tuyến đường như Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội và Mai Chí Thọ. Trong đó, hai tuyến đường Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội sẽ mất nhiều thời gian để di chuyển vào trung tâm TP và có nhiều điểm kẹt xe.
Vì vậy, đường Mai Chí Thọ là con đường ngắn nhất và được ưu tiên để di chuyển vào trung tâm TP. Để vào được TP theo hướng đại lộ đông Tây thì người dân chỉ có thể di chuyển qua cầu Thủ Thiêm hoặc hầm Thủ Thiêm. Tuy nhiên, đường Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tôn Đức Thắng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc. Vì vậy, cầu Thủ Thiêm 2 được kỳ vọng sẽ giảm tải rất lớn cho tình trạng kẹt xe tại khu vực này.
Theo Trung tâm Quản lí đường hầm sông Sài Gòn, hiện nay lưu lượng các phương tiện giao thông đổ qua đường hầm sông Sài Gòn ngày càng gia tăng. Trước áp lực giao thông liên tục gia tăng, đơn vị đã phải thực hiện hàng loạt giải pháp điều tiết ở hầm Thủ Thiêm như tăng cường phân làn, linh hoạt điều khiển đèn tín hiệu giao thông ở các nút giao trên đường Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt… để giảm áp lực giao thông.
Song song đó, đơn vị đã bố trí lại làn xe lưu thông qua hầm cho phù hợp theo hướng tăng bề rộng làn đường xe máy, giảm bề rộng làn đường ô tô. Song những biện pháp chỉ mang tính chất tạm thời và để giải quyết căn cơ tình trạng kẹt xe khu vực này thì cần nhanh chóng thực hiện các dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, 3 và 4.
Đại diện Sở GTVT cho biết sở dĩ thời gian qua tiến độ thi công cầu Thủ Thiêm 2 bị giãn là do vấn đề mặt bằng khu vực quận 1 vẫn gặp chút vướng mắc nên khả năng sẽ không thể thông cầu vào ngày 30/4/2020 như đã dự kiến.
Phía đại diện chủ đầu tư dự án cho hay: Nếu mặt bằng được bàn giao sớm thì đến ngày 30/4/2020 sẽ hợp long cầu, còn nếu mặt bằng không được bàn giao sớm thì có thể vẫn tiếp tục chậm tiến độ.
Năm cây cầu kết nối trung tâm TP
Theo báo cáo của Sở GTVT TP HCM, đến cuối tháng 5/2019, dự án cầu Thủ Thiêm 2 chỉ đạt 18% khối lượng, trong khi khâu giải phóng mặt bằng phía đầu quận 1 vẫn rất chậm. Trong đó, việc bồi thường giải phóng mặt bằng phía quận 1 hiện còn vướng sáu hộ dân và bốn đơn vị gồm: Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, Tổng Công ty Ba Son, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 và Bộ tư lệnh Hải quân. Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là những vị trí chưa có mặt bằng lại là nơi thi công hai nhánh cầu chính kết nối trụ tháp dây văng, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết khu đô thị mới Thủ Thiêm có năm cây cầu và một hầm chui kết nối với trung tâm TP. Hiện cầu Thủ Thiêm 1 và hầm vượt sông Sài Gòn đã được đưa vào sử dụng, cầu Thủ Thiêm 2 đang xây dựng, còn cầu Thủ Thiêm 3 (nối quận 4) và cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 7) chưa triển khai do chờ Chính phủ sửa đổi nghị định liên quan đến hình thức đầu tư hợp đồng BT.