TP HCM đưa thêm 35 biệt thự cũ vào diện quản lý, bảo tồn

Biệt thự cũ nhóm một phải được giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao; nhóm hai phải được giữ nguyên kiến trúc bên ngoài.
TP HCM đưa thêm 35 biệt thự cũ vào diện quản lý, bảo tồn - Ảnh 1.

Biệt thự 251 Điện Biên Phủ. (Nguồn: vietbuildforum.vn)

UBND TP HCM vừa quyết định đưa thêm 35 biệt thự cũ trên địa bàn thành phố vào diện quản lý, bảo tồn; nâng tổng số biệt thự cũ vào diện bảo tồn, quản lý là hơn 200 căn biệt thự, trong đó tập trung nhiều nhất là tại quận 1 và quận 3.

Cụ thể, biệt thự cũ thuộc nhóm một gồm các địa chỉ số nhà 41 Tú Xương; 251 Điện Biên Phủ (quận 3). Biệt thự cũ thuộc nhóm hai gồm số 8 Alexandre De Rhodes; 98 Sương Nguyệt Ánh, 28 Mạc Đĩnh Chi (quận 1); 206, 208 và 236 Nam Kỳ Khởi Nghĩa; 9 Ngô Thời Nhiệm, 11 Trương Quyền; 124 và 272 Nguyễn Đình Chiểu; 101, 121 và 278 Võ Thị Sáu, 200bis Lý Chính Thắng; 228, 228B, 236, 258ter, 258/3, 269ter, 269 và 283 Điện Biên Phủ; 117-119 Trương Định (quận 3) phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài.

Theo tiêu chí phân loại, biệt thự cũ nhóm một phải được giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao. Biệt thự cũ nhóm hai phải được giữ nguyên kiến trúc bên ngoài.

Đối với biệt thự cũ nhóm ba, thực hiện theo các quy định về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.

Các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thực cũ thuộc danh mục nêu trên có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc về quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo biệt thự cũ được quy định tại Khoản 2 Điều 34 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Nhà ở ngày 25/11/2014 của Quốc hội.

Chủ sở hữu phải tuân thủ các quy định của Luật Nhà ở; trường hợp là biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước phải thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; trường hợp là biệt thự cũ có giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý di sản văn hóa.

Thành phố cũng yêu cầu các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ thuộc nhóm một hoặc nhóm hai có trách nhiệm tuân thủ quy định tại Khoản 4 Điều 87 Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 của Quốc hội.

Cụ thể, chủ sở hữu không được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu của biệt thự cũ, không được phá dỡ biệt thực cũ nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo kết luận kiểm định của Sở Xây dựng; trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của biệt thự cũ; không được tạo thêm kết cấu để làm tăng diện tích hoặc cơi nới, chiếm dụng không gian bên ngoài biệt thự cũ.

Bên cạnh đó, UBND TP yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận huyện tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng đối với các biệt thự cũ, nhất là các biệt thự cũ đã được phân loại vào nhóm một, nhóm hai và biệt thự cũ đang trong quá trình được phân loại; chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi tự ý tháo dỡ, chia cắt biệt thự cũ trái quy định pháp luật.

Liên quan đến phân loại biệt thự để bảo tồn, quản lý trên địa bàn TP HCM hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (thuộc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM) đã tập hợp danh sách 1.550 địa chỉ; trong đó có 1.227 địa chỉ trong danh sách ban đầu và 323 địa chỉ phát sinh mới.

Hiện số công trình biệt thự cũ được kiểm kê là 1.058 và đến nay đã phân loại hơn 206 biệt thự cũ; trong đó có 59 biệt thự cũ nhóm một và 109 biệt thự cũ thuộc nhóm hai, còn lại là nhóm ba.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.