Đường vành đai 3 TP HCM hiện do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) quản lý. Toàn tuyến dài hơn 90 km chạy qua TP HCM, Bình Dương, Ðồng Nai và Long An, chia làm 4 đoạn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 - Bến Lức.
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2011, dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, tính đến tháng 4/2021, dự án mới chỉ làm được đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16,3km, quy mô 6 làn xe, tốc độ 100km/h, qua địa phận tỉnh Bình Dương.
Theo tính toán mới nhất của Bộ GTVT, tổng kinh phí để đầu tư hoàn thiện toàn bộ tuyến vành đai 3 này là khoảng 60.024 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 32.700 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 27.300 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, khó khăn lớn nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Ðức, thông tin: Đơn cử như đoạn tuyến qua địa bàn, ban đầu, số tiền dự kiến chi cho bồi thường, giải phóng mặt bằng 37ha đất nông nghiệp chỉ hơn 148 tỷ đồng. Nhưng do dự án chậm triển khai, nay lại phải tính sát giá thị trường và điều chỉnh giá, nên số tiền này đã tăng lên gần 1.800 tỷ đồng, địa phương rất khó bố trí vốn.
Còn Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết: Nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 của tỉnh tính bình quân cho từng năm chỉ khoảng 7.000 tỷ đồng. Do đó, việc bố trí nguồn vốn hơn 2.000 tỷ đồng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng cho các đoạn tuyến đường vành đai 3 qua tỉnh là rất khó khăn.
Tuy nhiên, trong công văn mới nhất gửi các địa phương có tuyến đường vành đai 3 đi qua, Bộ GTVT vẫn đề nghị các địa phương chủ động tìm nguồn vốn thực hiện phần dự án trên địa bàn mình. Trường hợp để Bộ GTVT làm đường, các địa phương sẽ lo kinh phí giải phóng mặt bằng.
Trên thực tế, một số địa phương trên tuyến đã chủ động tìm kiếm các nguồn lực để tự hoàn thiện hệ thống đường bộ của mình, trong đó có các đoạn tuyến đường vành đai 3. Điển hình trong số đó là tỉnh Bình Dương.
Từ năm 2009, tỉnh Bình Dương đã chủ động thực hiện dự án đường cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn dài hơn 62km, quy mô 6 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 100km/h. Toàn tuyến chia làm 2 giai đoạn, gồm: Giai đoạn 1 có chiều dài 42km từ ngã ba Tân Vạn đến thị xã Bến Cát, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015. Trên đoạn này có 16,3km trùng với tuyến đường vành đai 3. Giai đoạn 2 từ thị xã Bến Cát đến Khu công nghiệp Bàu Bàng, dài 20km, sẽ thông xe trong nửa đầu năm 2021.
Đáng chú ý, tuyến đường được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa với tổng mức đầu tư lên đến 4.300 tỷ đồng.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, địa phương đang chủ động phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận trong công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao, khởi công dự án đường vành đai 3, đoạn qua tỉnh Đồng Nai thuộc Dự án thành phần 1A với tổng chiều dài 8,7 km trong quý III-2021.
Đoạn tuyến bắt đầu từ tỉnh lộ 25B (huyện Nhơn Trạch) kết nối với cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Tuyến đường được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h. Bề rộng nền đường từ 20,5-26 m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp; tổng mức đầu tư gần 5.330 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng.
Để thực hiện dự án, địa phương sẽ phải thu hồi gần 50ha đất của hơn 450 hộ tại 2 xã Long Tân và Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch). Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 1.000 tỷ đồng, do tỉnh Đồng Nai thực hiện. “UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương sớm hoàn thành các thủ tục liên quan để áp giá bồi thường và xét tái định cư cho người dân”, ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói.
Tuy nhiên, vẫn còn nguyên đó những khó khăn trong giải phóng mặt bằng và huy động vốn để thực hiện các dự án thành phần còn lại qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, cũng như một số đoạn tuyến nhỏ lẻ qua tỉnh Đồng Nai và Bình Dương... Cũng vì thế, đường vành đai 3 TP HCM chưa rõ ngày hoàn thiện.