Chiều ngày 27/11, Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM, TP Hà Nội và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với chủ đề “Dòng chảy tinh hoa” đã diễn ra tại tỉnh Quảng Nam.
Tại diễn đàn, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã thảo luận, kí kết Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng giai đoạn 2020- 2025 và thông qua Kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng giai đoạn 2020 – 2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Lê Trí Thanh cho biết diễn đàn là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với Quảng Nam và các tỉnh miền Trung sau gần một năm các hoạt động du lịch phải ngừng trệ vì dịch bệnh.
Đồng thời cũng là sự kiện hiện thực hoá chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và nhanh chóng đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường...
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, cho rằng đại dịch Covid-19 đang gây ra thiệt hại rất lớn với ngành du lịch du lịch, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để kích cầu du lịch nội địa, đặc biệt là liên kết phát triển để “khơi dậy” tiềm năng của ngành du lịch. '
Thực tiễn đã chứng minh, TP HCM, TP Hà Nội và 5 tỉnh miền Trung rất giàu tiềm năng du lịch. Ngoài ra, mỗi địa phương đều có những thế mạnh riêng về du lịch.
Ông dẫn chứng TP HCM với điểm nhấn là du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện, du lịch mua sắm, ẩm thực, giải trí và văn hoá; TP Hà Nội với thế mạnh là du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; 5 tỉnh miền Trung với thế mạnh là du lịch văn hóa - di sản, du lịch ẩm thực, du lịch biển đảo.
TP HCM tin rằng với các thế mạnh nêu trên, cùng với những dư địa hiện có, các tỉnh, thành sẽ có đủ khả năng để phục hồi ngành du lịch nước nhà. Trong đó, Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là một trong số nhiều giải pháp để hiện thực điều đó.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho rằng trước đây việc liên kết chỉ phát triển nội vùng, chưa có liên kết điểm mới, thị trường mới. Đặc biệt sự liên kết đối với các thị trường lớn như: TP Hà Nội, TP HCM chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của các địa phương.
Chính vì lẽ đó, trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang tập trung thực hiện kích cầu du lịch nội địa với chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, chương trình “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” nhằm khôi phục và phát triển hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới thì liên kết sẽ là cơ hội để mở ra một giai đoạn mới - giai đoạn mà các bên sẽ gặt hái được những trái ngọt từ hoạt động liên kết phát triển du lịch mang lại.
Theo ông Liêm để liên kết phát triển du lịch đi vào hiệu quả thì cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng vào 3 nội dung trọng tâm. Đầu tiên phấn đấu tăng tỉ lệ khách du lịch từ TP Hà Nội, TP HCM đến vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và ngược lại.
Mục tiêu chính nhằm gia tăng lượng khách du lịch nội địa, giúp doanh nghiệp du lịch tại các địa phương khôi phục và ổn định hoạt động sau những tổn thất do dịch bệnh Covid-19.
Sự gia tăng lượng khách và doanh thu phải đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng chuỗi du lịch thân thiện, an toàn với sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương và hơn hết là góp phần tăng thêm các lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân ở các địa phương trong liên kết.
Kế đến công tác phát triển sản phẩm du lịch gắn với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với định hướng khai thác sản phẩm đặc trưng như: du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với di sản, du lịch sinh thái, tìm hiểu di sản văn hóa – thiên nhiên thế giới, tìm hiểu văn hóa biển, ẩm thực biển kết nối với loại hình du lịch đô thị, du lịch MICE của TP Hà Nội và TP HCM tạo ra sự đa dạng trong hành trình của du khách đến khu vực; đặt mục tiêu tăng chi tiêu bình quân và kéo dài độ dài lưu trú của du khách, đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của kinh tế.
Cuối cùng đặc biệt chú trọng phối hợp để tổ chức có hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch vùng.
Trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo gắn với sự chuẩn bị ngay từ bây giờ và hướng đến lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế; kết hợp với các đơn vị phân tích dữ liệu quốc tế nắm bắt kịp thời tâm lí của du khách quốc tế để tổ chức tốt công tác quảng bá xúc tiến du lịch vùng.
Cần có kế hoạch và phối hợp quảng bá chung để du khách biết đến nhiều hơn, sâu hơn về TP HCM, TP Hà Nội và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như các sản phẩm liên vùng. Các tỉnh, thành trong liên kết cần chú trọng nội dung quảng bá sản phẩm liên vùng trong quá trình quảng bá xúc tiến du lịch địa phương.
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết TP Hà Nội sẽ tích cực phối hợp với TPHCM và các tỉnh miền Trung để triển khai các chương trình kích cầu. Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh TP thông qua các hãng truyền thông lớn của thế giới.
"Hà Nội dự kiến 1 năm sẽ có 5 triệu lượt người đi du lịch, Hà Nội sẽ hỗ trợ để lượng khách này tới các tỉnh miền Trung. Hà Nội đề nghị các tỉnh xây dựng kế hoạch hợp tác cũ thể thành các chương trình đạt hiệu quả".