TP HCM kiến nghị cho phép doanh nghiệp BĐS giãn nợ, chậm nộp tiền sử dụng đất

Trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản quý III, TP HCM đã kiến nghị nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo của UBND TP HCM, thị trường bất động sản quý III phát triển chậm hơn so với quý II và cùng kỳ năm ngoái. Do thực hiện các chỉ thị giãn cách xã hội nên thành phố không có biến động về lượng và giá nhà ở trên diện rộng; nguồn cung nhà ở tại các dự án rất hạn chế và hầu như không có.

TP HCM cho rằng hệ thống các quy định pháp luật còn bất cập, thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong việc ngăn chặn và đề xuất giải pháp xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Một số trường hợp thường xảy ra như: Một căn hộ bán cho nhiều người, dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã cho đặt cọc, giữ chỗ, hứa mua hứa bán.

Để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và hiệu quả, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ loạt giải pháp.

Đơn cử, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chịu tác động của dịch Covid-19, đề xuất cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất; hỗ trợ miễn, giảm thuế; xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc hoặc kéo dài thời hạn cho vay.

Chủ đầu tư đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng đã có quyết định giao đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đối với toàn bộ dự án hoặc một phần dự án, đang thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cho phép chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng.

TP HCM cũng kiến nghị cho phép nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án để đầu tư xây dựng và khai thác mà không cần phải có chức năng kinh doanh bất động sản đối với các công trình văn hóa, giáo dục, y tế, trung tâm thương mại.

Bên cạnh đó, thành phố kiến nghị ban hành quy định về thuế suất giao dịch bất động sản và số lượng bất động sản sở hữu để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, giao dịch chính thức, tăng nguồn thu từ giao dịch bất động sản.

TP HCM kiến nghị cho phép doanh nghiệp BĐS giãn nợ, chậm nộp tiền sử dụng đất - Ảnh 1.

Theo UBND TP HCM, trên địa bàn có trường hợp dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã cho đặt cọc, giữ chỗ, hứa mua hứa bán. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2021, có 6.171 doanh nghiệp xây dựng tạm ngừng kinh doanh (chiếm 13,7%), 4.091 doanh nghiệp chờ giải thể (chiếm 12,6%). 

Các doanh nghiệp bất động sản có lãi lớn chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực. 

Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Mặc dù đã linh hoạt thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng nhưng với tình hình dịch bệnh trong quý III thì các sàn giao dịch bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là đối với các sàn giao dịch có quy mô vừa và nhỏ, có nguồn lực tài chính thấp, sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng.

Cụ thể, có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. 

Hiện tại đã có tới hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, quỹ lương ngày một cạn kiệt, buộc phải cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.