TP HCM loay hoay chọn mô hình phát triển 5 huyện

Sau 7 năm từ lúc có ý tưởng, TP HCM xây dựng đề án đưa 5 huyện thành quận, sau đó lên thành phố nhưng đến nay chưa thể thực hiện.

Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh là 5 huyện nằm ở vị trí cửa ngõ thành phố, kết nối các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Những địa phương này có dân số hơn hai triệu người (số liệu năm 2020) nhưng tập trung chủ yếu ở nông thôn (1,94 triệu người), khiến hạ tầng, dịch vụ quá tải. Bên cạnh đó, bộ máy quản lý nông thôn cũng không theo kịp để quản lý số dân tăng quá nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.

Từ năm 2017, thành phố có ý định chuyển đổi mô hình quản lý, phát triển 5 huyện phù hợp để phát triển, phục vụ người dân tốt hơn, bắt đầu với huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn. Thời điểm này, dù mới chỉ là ý kiến từ một số lãnh đạo, giá đất ở những nơi này bị thổi phồng, tăng cao. Chính quyền thành phố sau đó phải thông tin ba huyện này không đủ tiêu chí lên quận, yêu cầu địa phương tăng cường quản lý chặt đất đai.

5 huyện ở TP HCM muốn lên thành phố. Đồ họa: Khánh Hoàng

Ba năm sau, chủ trương đưa huyện lên quận được cụ thể hóa tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây được xem là một trong trong những mục tiêu quan trọng, đột phá của thành phố. Sau đó Sở Nội vụ trình UBND thành phố kế hoạch xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP HCM) giai đoạn 2021-2030.

Ở kế hoạch nói trên, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ thành quận (hoặc thành phố) trước năm 2025; Củ Chi và Cần Giờ thành quận trong giai đoạn 2025-2030. Thành phố cũng triển khai 5 đề án nhánh liên quan đến kinh tế, văn hóa, hạ tầng, con người, quản lý nhà nước để thực hiện mô hình chuyển đổi. Cùng lúc, các huyện cũng làm đề án riêng.

Sau khi kế hoạch được công bố năm 2022, tình trạng sốt đất ở các huyện lặp lại như 5 năm trước đó. Lần này để yên tình hình, chính quyền thành phố yêu cầu các huyện không xin chủ trương lên quận hay thành phố mà chờ sau khi đạt chuẩn mới quyết định mô hình phù hợp từng địa phương.

Theo Nghị định 62/2011, để trở thành quận thì huyện phải đảm bảo điều kiện: diện tích trên 35 km2, dân số hơn 150.000 người, mật độ trên10.000 người mỗi km2; hơn 90% dân số là lao động phi nông nghiệp; hơn 90% phát triển kinh tế từ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, thương mại; có hệ thống kệ tầng đô thị hoàn chỉnh...

Đối chiếu quy định nói trên cùng với rà soát các tiêu chí mà thành phố đưa ra, cuối năm ngoái Sở Nội vụ nhận thấy đến mốc thời gian 2030, cả 5 huyện chưa đủ điều kiện lên quận. Do vậy, phương án chuyển đổi lên thành phố thuộc thành phố trước năm 2030 sẽ được chọn cho các địa phương này.

Quốc lộ 1 qua thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh. Ảnh: Đình Văn

Tuy nhiên, tại kỳ họp HĐND TP HCM hồi cuối tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nói trong vòng 5 năm tới, thành phố vẫn giữ nguyên 22 đơn vị hành chính gồm TP Thủ Đức, 16 quận, 5 huyện. Các huyện ngoại thành được đầu tư để trở thành đô thị loại III (dân số trên 100.000 người, mật độ từ 7.000 người/km2, trên 75% lao động phi nông nghiệp...).

"Lên thành phố hay quận cần tiếp tục tính toán nhưng chắc chắn hạ tầng của các huyện sẽ được gia cố lại, ít nhất là đô thị loại III", người đứng đầu chính quyền TP HCM nói.

Ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, cho biết trước đây thành phố đưa ra chủ trương chuyển một số huyện lên quận hoặc thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương này. Sau này khi xây dựng đề án, xét lại các tiêu chí và lấy ý kiến bộ ngành, chuyên gia, thành phố nhận thấy việc này khó thực hiện được.

"Lộ trình xây dựng đạt đô thị loại III sẽ giúp các huyện thu hút được đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, xã hội, nâng cao đời sống người dân nhưng không tạo ra sốt đất ảo cùng những tác động tiêu cực", ông Thuận nói.

KTS Khương Văn Mười, nguyên phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng mong muốn chuyển đổi mô hình quản lý giúp các huyện có thêm chức năng quản lý, phục vụ cho thành phố trung tâm và các vùng lân cận. Tuy nhiên các tiêu chí hiện nay ở địa phương chưa đạt, hạ tầng giao thông, xã hội chưa đảm bảo. Đơn cử như Bình Chánh kết nối TP HCM với 13 tỉnh miền Tây nhưng chỉ có một trục đường chính là chưa thỏa đáng. Điều này tương tự các huyện khác, hạ tầng còn yếu kém chưa tạo ra động lực phát triển.

"Thành phố muốn gia cố cho các địa phương đạt đô thị loại III, sau đó lựa chọn mô hình là phù hợp", ông Mười nói, cho biết điều này giống như người được "thiết kế chiếc áo mới nhưng chiều cao, cân nặng chưa phù hợp nên cần chậm lại một nhịp để cơ thể phát triển hoàn chỉnh".

Một phần huyện Củ Chi, tháng 4/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

KTS Ngô Viết Nam Sơn, thành viên tổ tư vấn quy hoạch cho UBND TP HCM, nói rằng chuyển đổi mô hình phát triển cho các huyện được thành phố đặt ra từ lâu nhưng "mong muốn là một chuyện, quan trọng là hướng đi, kế hoạch để làm". Trước đây, các huyện đề xuất lên quận nhưng khó đạt tiêu chí, sau đó chuyển sang thành phố và lập kế hoạch lên trước năm 2030.

"Huyện lên thành phố sớm là một bước lùi", ông Nam Sơn nói. Theo ông, điều này sẽ đẩy giá đất lên cao khiến việc đầu tư hạ tầng cho các huyện càng khó. Các địa phương này cũng không đủ sức đảm nhận vai trò đô thị vệ tinh theo chiến lược phát triển của TP HCM.

Theo chuyên gia, lần này TP HCM tiếp cận phương pháp quy hoạch tích hợp, tức quy hoạch xây dựng gắn với phát triển kinh tế, xã hội. Thành phố xác định chiến lược đô thị đa trung tâm gồm đô thị trung tâm (các quận nội đô như 1, 3...) và các đô thị vệ tinh.

Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng một đô thị được xem là vệ tinh hay "thành phố trong thành phố" phải có đầy đủ hạ tầng, dịch vụ từ bệnh viện, trường học, giao thông, giải trí... tương tự như khu trung tâm, dù quy mô có thể nhỏ hơn. Việc này đảm bảo cho người dân được thụ hưởng dịch vụ tốt nhất ngay tại chỗ mà không phải di chuyển vào nội đô.

"Một đô thị vệ tinh nhưng không đủ hạ tầng, người dân vẫn chạy vào nội thành để hưởng dịch vụ thì ý nghĩa vệ tinh, thành phố trong thành phố không còn nữa", ông Sơn nói.

Ông Sơn cho hay những huyện có hạ tầng kém đừng vội lên thành phố. Thay vào đó, từ nay đến năm 2030, các huyện cần tập trung xây dựng hạ tầng để đảm bảo cho người dân có chỗ học hành, làm việc, chăm sóc sức khỏe... ngay tại chỗ. Khi hạ tầng, dịch vụ tốt lên, huyện mới tính đến chuyển sang mô hình mới.

chọn
Đấu giá đất ở Thanh Oai (Hà Nội): Chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền
Tiếp tục thông tin về tiến độ nộp tiền sau trúng đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), ngày 16/9, lãnh đạo huyện cho biết: Với 68 thửa đất trúng đấu giá, đến thời hạn cuối cùng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền; 56 thửa đất không nộp tiền hoặc không nộp đủ. Đáng chú ý, 12 trường hợp nộp tiền có giá trúng cao nhất là 55,167 triệu đồng/m2.