Lượng khách đi xe buýt ngày càng giảm trong khi tiền trợ giá cho dịch vụ này ngày càng tăng. Ảnh : Thăng Long |
Ngày 8/11, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết kinh phí trợ giá xe buýt năm 2017 dự kiến vào khoảng 1.226,8 tỷ đồng.
Như vậy, kinh phí trợ giá xe buýt năm 2017 sẽ tăng khoảng 231 tỷ đồng so với năm 2016. Theo các nhà quản lý, nguyên nhân dẫn đến việc tăng mức trợ giá là do đầu tư thay thế xe buýt mới và tăng khối lượng vận chuyển hành khách mỗi năm lên thêm 295 triệu lượt hành khách đi xe buýt.
Theo thống kê, hiện tại TP HCM có 142 tuyến xe buýt, trong đó có 107 tuyến xe buýt có trợ giá và 35 tuyến xe buýt không trợ giá.
Ngoài ra còn có 45 tuyến xe buýt đưa rước công nhân theo hình thức hợp đồng có trợ giá và 155 trường học có học sinh sử dụng dịch vụ xe đưa rước theo hình thức hợp đồng có trợ giá.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, khối lượng vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt đạt 408,4 triệu lượt khách, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2015 và chỉ đạt hơn 68% so với kế hoạch đề ra năm 2016 (tức đạt 600 triệu lượt khách).
Nhiều chuyên gia giao thông tại TP HCM cho biết, cần xem xét kỹ việc trợ giá cho xe buýt, bởi trong hai năm gần đây ngân sách Thành phố trợ giá cho xe buýt tăng cao. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay lượng khách đi xe buýt liên tục giảm.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, tổng khối lượng vận tải hành khách công cộng năm 2015 ước đạt 564,74 triệu lượt hành khách, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, khối lượng xe buýt đạt 323,89 triệu lượt hành khách, giảm 11,7%; xe buýt có trợ giá đạt 270,21 triệu lượt hành khách giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước. |