Thông tin từ Báo Chính phủ, Sở GTVT TP HCM vừa qua đã có công văn gửi UBND TP HCM báo cáo về việc nghiên cứu, đề xuất đầu tư nút giao quốc lộ 50 (kết nối QL 50 với cao tốc Bến Lức - Long Thành) và nút giao Nguyễn Văn Tạo (kết nối đường Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Hữu Thọ với cao tốc Bến Lức - Long Thành).
Việc đầu tư nút giao QL 50 và nút giao Nguyễn Văn Tạo được Sở GTVT đánh giá rất cấp bách để hoàn thiện kết nối các tuyến đường thành phố với cao tốc và giải tỏa lưu lượng xe ngày càng tăng trong tương lai.
Dự kiến, giai đoạn 1, nút giao QL 50 có dạng trumpet (nút giao liên thông có dạng kèn). Đồng thời, nút giao này bao gồm hạng mục cầu vượt trên QL 50, đáp ứng 4 làn xe (đang xem xét điều chỉnh lại phù hợp thực tế) dải phân cách giữa 8 m.
Là một trong các cơ quan nghiên cứ, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP HCM đề xuất ba phương án đầu tư.
Trong đó, phương án 1, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ đầu tư theo quy mô hoàn chỉnh nút giao QL 50 và nút giao Nguyễn Văn Tạo (nút giao thông khác mức dạng trumpet kép). Đoạn tuyến và cầu vượt thuộc nút giao trên có quy mô 6 làn xe để đồng bộ với dự án mở rộng QL 50.
Phương án này có ưu điểm giải quyết việc kết nối giao thông các trục hướng tâm phía nam thành phố với cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường vành đai 3. Nhược điểm là phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng chủ động nguồn vốn thực hiện dự án của VEC.
Phương án 2, VEC thực hiện đầu tư cầu vượt trên QL 50 và đường đầu cầu thuộc nút giao QL 50 (đoạn từ Km 9+280 đến Km 9+910) theo quy mô 6 làn xe để đồng bộ với dự án mở rộng QL 50 và đầu tư hoàn chỉnh nút giao Nguyễn Văn Tạo.
Đồng thời, đề xuất dự án mới độc lập để do TP HCM đầu tư hoàn chỉnh nút giao này (bao gồm đoạn còn lại thuộc nút giao Quốc lộ 50, đoạn từ Km 8+624 đến Km 9+280). Tổng vốn dự kiến khoảng 573 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Trung ương và thành phố tỷ lệ 40 - 60% hoặc 50 - 50%).
Ưu điểm phương án 2 là thực hiện song song cao tốc Bến Lức - Long Thành, chủ động thời gian. Nhược điểm là phải điều chỉnh chủ trương cao tốc Bến Lức - Long Thành; vẫn phụ thuộc vào khả năng chủ động nguồn vốn từ VEC.
Phương án 3, VEC đầu tư cầu vượt trên QL 50 và đường đầu cầu thuộc nút giao QL 50 (đoạn từ Km 9+280 đến Km 9+910) theo quy mô 6 làn xe để đồng bộ với dự án mở rộng QL 50. Đề xuất dự án mới độc lập để đầu tư hoàn chỉnh nút giao này (bao gồm đoạn còn lại của Quốc lộ 50 từ Km 8+624 đến Km 9+280) và nút giao Nguyễn Văn Tạo do TP HCM đầu tư, dự kiến hơn 1.100 tỷ đồng.
Trong đó, nút giao QL 50 (573 tỷ đồng), nút giao Nguyễn Văn Tạo (551 tỷ đồng). Tỷ lệ nguồn vốn ngân sách thành phố và hỗ trợ từ Trung ương là 40 - 60% hoặc 50 - 50%.
Tiến độ dự kiến thông qua chủ trương đầu tư công quý III/2023; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi quý IV/2023; khởi công quý III/2024, hoàn thành quý III/2025.
Ưu điểm là triển khai dự án độc lập, thực hiện song song với dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án xây dựng QL 50. Đồng thời, chủ động được nguồn vốn bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, do VEC làm chủ đầu tư với tổng chiều dài dự án 57,8km, đi qua tỉnh Long An, TP HCM và tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư là 31.320 tỷ đồng; sử dụng vốn vay ADB, JICA và vốn đối ứng trong nước.