Cầu Phú Mỹ - tử thần rình rập
Thời gian qua, liên tiếp những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ngay dưới chân cầu Phú Mỹ phía Q.2 khiến người tham gia giao thông qua đây vô cùng lo lắng.
Cầu Phú Mỹ là điểm đen thường xảy ra tai nạn giao thông. Ảnh: Nguyễn Yên. |
Theo số liệu thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay tại khu vực trên đã xảy ra hơn 10 vụ tai nạn liên quan đến xe tải, xe đầu kéo, container. Mới đây, ngày 27/9, khi xe đầu kéo vừa đổ dốc cầu thì bất ngờ tông vào đuôi xe ô tô 7 chỗ đang chạy cùng chiều, gây tai nạn liên hoàn cho ba phương tiện khác. Hậu quả, một tài xế ô tô đã tử vong. Trước đó, tối 26/8, một xe đầu kéo khi đang đổ dốc cầu Phú Mỹ bất ngờ lật nhào chắn ngang đường, rất may không gây thương vong cho người đi đường…
Theo ghi nhận của PV Việt Nam Mới tại dốc cầu Phú Mỹ lượng xe container, xe tải lưu thông hai chiều qua cầu với mật độ rất cao. Nhiều phương tiện vẫn phóng nhanh, chạy sát nhau, không giữ khoảng cách an toàn dù đang đổ dốc cầu.
Theo giới tài xế, một trong những nguyên nhân khu vực này thường xuyên xảy ra tai nạn là do độ dốc cầu sang Q.2 lớn hơn so với hướng ngược lại. Do đó, nếu các phương tiện đang đổ dốc với tốc độ cao, tài xế không làm chủ tốc độ, không quen đường hoặc xe lưu thông phía trước gặp sự cố bất ngờ, thì tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Vòng xoay Mỹ Thủy, nút giao An Phú nguy hiểm có thể ập đến bất ngờ
Điểm đen tai nạn nút giao thông Mỹ Thủy gồm vị trí: Giao lộ Đồng Văn Cống – Vành Đai 2 (P.Cát Lái và P.Thạnh Mỹ Lợi); vòng xoay Mỹ Thủy (P.Cát Lái, Q. 2).
Vòng xoay Mỹ Thủy - Nguy hiểm luôn ập đến bất ngờ. Ảnh: Nguyễn Yên. |
Tại nút giao thông này hiện đang chịu áp lực rất lớn về giao thông. Do tuyến đường này có rất nhiều công ty, cảng, xí nghiệp lớn nên hàng ngày có hơn cả nghìn lượt xe các loại di chuyển qua đây. Trong đó, chủ yếu là xe container, xe tải trọng lớn lưu thông trên địa bàn phía Đông và Tây Bắc thành phố theo hướng Xa lộ Hà Nội về đường Đồng Văn Cống qua nút giao Mỹ Thủy vào cảng Cát Lái.
Theo một số người dân sống tại khu vực, chỉ cần hai xe xảy ra va quẹt ở vòng xoay thì tất cả các hướng về nút giao Mỹ Thủy sẽ kẹt cứng hàng giờ liền.
Ông Nguyễn Văn H. (54 tuổi, ngụ Q.2) cho biết, do nhu cầu người dân qua phà Cát Lái giữa TP HCM và H.Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) rất cao. Vào giờ cao điểm hay ngày lễ, xe chạy chật kín đường, người dân phải đi xe máy sát xe container “lạnh cả sống lưng".
Theo UBATGT TP, nút giao thông An Phú (P.An Phú, Q.2) được xem là điểm đen mới phát sinh tai nạn năm 2015.
Ghi nhận vào chiều 26/10, PV Việt Nam Mới thấy nút giao thông An Phú ken đặc xe di chuyển, do tất cả các đường hướng về đây đều có lượng phương tiện đông, mật độ xe di chuyển cao, nhiều xe máy chen vào cả làn ô tô để chạy khiến nguy hiểm luôn rình rập tại cung đường này.
Nhiều người dân cạnh đó cho biết trước đây đã xảy ra nhiều vụ va chạm làm chết người. Ông Nguyễn Đông (59 tuổi, ngụ P.An Phú, Q.2), cho rằng va quẹt ở đây như cơm bữa. Ông Đông vẫn nhớ như in vào một ngày đầu tháng 8/2015, một xe container chạy đường Mai Chí Thọ (hướng hầm Thủ Thiêm – An Phú) khi đến nút giao An Phú rẽ vào cao tốc, thì chạm phải một thanh niên đi xe máy chạy sang đường. Cú va chạm khiến người và xe máy cuốn vào gầm, thanh niên chết tại chỗ. “Chính bản thân tôi, dù đã quen đường nhưng nhiều lúc xe cộ đông, chạy xe qua khu vực tôi cũng thấy lo lắng, bất an”, ông Đông nói.
Còn anh Q., thanh niên xung phong của Q.2, thường xuyên đứng chốt phân làn giao thông tại đây cho biết: “Đèn tín hiệu giao thông khu vực đã cài đặt sẵn, không được điều chỉnh. Thông thường, vào ngày thứ Bảy, người dân TP có thói quen đi du lịch tăng cao nhưng đèn giao thông hướng Mai Chí Thọ rẽ vào cao tốc ngắn, không đủ thời gian xe di chuyển hết, dẫn đến kẹt dài trên đường Mai Chí Thọ. Ngược lại, chiều Chủ nhật lượng ô tô từ cao tốc đổ về cũng rất lớn, nhưng đèn giao thông có thời gian ngắn dẫn đến kẹt dài trên đường cao tốc”.
Hốt hoảng đi đường Phạm Văn Bạch - Trường Chinh
Giao lộ Trường Chinh - Phạm Văn Bạch mới đây có 3 vụ TNGT làm hai người 3 chết. Vào giờ cao điểm sáng hoặc chiều luôn rơi vào tình trạng kẹt xe nghiêm trọng, mỗi lần kéo dài hàng giờ đồng hồ.
Một vụ tai nạn giao thông giữa xe bồn với xe máy sáng 24/9 tại giao lộ này khiến 2 người thương vong. Ảnh: Nguyễn Yên. |
Đường Phạm Văn Bạch tuy hai chiều nhưng mặt đường khá hẹp lại xuống cấp nghiêm trọng xuất hiện nhiều đất đá, ổ voi, ổ gà lớm chởm. Tuy vậy, xe tải từ đường này ra đường Trường Chinh nườm nượp, xếp thành những hàng dài ép sát xe máy vào lề. Người dân hai bên đường cho biết, xe máy dừng, đỗ, qua đường không cẩn thận là bị xe tải gạt té ngay, rất nguy hiểm.
Mới đây, ngày 25/10 một vụ tai nạn gioa thông cũng xảy ra trên đường này khiến một người tử vong do đường xuống cấp. Ảnh: Nguyễn Yên. |
Vào khoảng 22h ngày 25/10, một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra giữa xe bồn và xe máy, khiến một thanh niên tử vong tại chỗ. Trước đó, ngày 24/9 thanh niên bị xe bồn cán qua người dẫn đến tử vong cũng xảy ra tại khu vực này.
Điểm đen này từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân qua lại nơi đây. Một tài xế xe tải nhận xét: “Đường thì hẹp, xe thì đông, mà lại có một khúc cua gấp như vậy ngay trên đường thì rất dễ xảy ra tai nạn. Mỗi lần qua đây, cánh tài xế chúng tôi luôn lo lắng”.
Ngã tư An Sương - được mệnh danh là ngã tư tử thần
Được biết, vòng xoay An Sương là nút giao thông huyết mạch ở cửa ngõ Tây Nam của thành phố. Nút giao này là điểm kết nối giữa QL 22, QL1 và đường Trường Chinh. Khu vực ngã tư An Sương là một trong những điểm nóng về tai nạn giao thông của Q.12 trong những năm vừa qua. Nhiều vụ tai nạn thảm khốc chết người đã xảy ra tại đây.
Một vụ tai nạn thương tâm khiến 2 người thương vong tại ngã tư An Sương. Ảnh: Nguyễn Yên. |
Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, 6 tháng đầu năm 2016, nút giao thông ngã tư An Sương (Q.12) xảy ra 8 vụ tai nạn làm chết 9 người và là 1 điểm đen tai nạn giao thông trên địa bàn TP.
Theo Ban ATGT, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn do sự chủ quan của người điều khiển phương tiện như: vượt sai quy định, chuyển hướng đột ngột sai quy định; không chấp hành quy định về tốc độ; không chấp hành quy định nơi giao nhau; không chấp hành quy định tốc độ. Ngoài ra có một trường hợp khách quan tai nạn do bị mất thắng gây ra.
Ông Nguyễn Văn Sáng (63 tuổi, ngụ Hóc Môn) cho biết: “Mấy năm trước tai nạn chết người xảy ra liên tục làm tôi cũng thấy ớn, nhưng năm nay thì đỡ hơn, chỉ có va chạm nhẹ, hư hại xe cộ. Còn tai nạn ở đây thì cứ lâu lâu là có va quẹt, cách 2-3 ngày là xảy ra, có khi một ngày có đến 4-5 vụ. Điểm va quẹt nhiều nhất là ở chỗ đầu đường Trường Chinh giáp với vòng xoay. Theo tôi thấy thì nguyên nhân là do mấy người đi xe máy chạy ẩu đi ngược chiều, không đúng nơi quy định.”
Đứng chỉ tay về phía vòng xoay, ông Nguyễn Văn Bình (49 tuổi, ngụ Q.12) đứng cạnh đó góp thêm vào câu chuyện: “Khoảng thời gian trước có một người đàn ông mặc áo bảo vệ đi bộ vượt qua vòng xoay liền bị một xe container cán chết tại chỗ. Chiếc xe đó chạy từ hướng QL 22 tiến vào khu vực vòng xoay, nhưng chưa kịp vào thì tai nạn đã xảy ra”.
Ngoài tai nạn chết người, nút giao thông này cũng chịu cảnh quá tải, thường xuyên ùn ứ chia thành hai thời điểm: từ 9 – 13h và 16h30 – 20h.
Qua khảo sát thực tế, tình trạng giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Nơi đây giao nhau của các tuyến đường quan trọng: QL 22 từ tỉnh Tây Ninh vào QL 1; điểm nối QL 22 với đường Trường Chinh dẫn vào trung tâm thành phố. Do vậy, các xe máy, ô tô, container đều phải chia nhau mặt đường nên diện tích di chuyển quá chật chội. Lượng phương tiện đông tập trung cùng lúc khiến tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm diễn ra khá thường xuyên.