TP HCM: Tổ chức phản biện xã hội về thành lập TP Thủ Đức

UBND TP HCM vừa có văn bản khẩn đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP tổ chức phản biện xã hội về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021.

Theo thông tin từ Thành ủy TP HCM, UBND TP vừa có văn bản khẩn gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP đề nghị tổ chức phản biện xã hội về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021.

TP HCM: Tổ chức phản biện xã hội về thành lập TP Thủ Đức - Ảnh 1.

UBND TP HCM đề nghị tổ chức phản biện xã hội về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021. (Ảnh minh họa: Người đồng hành).

TP HCM dự kiến giảm số lượng quận huyện từ 24 còn 22

Theo đó, UBND TP HCM gửi dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã để tổ chức phản biện, góp phần hoàn thiện đề án, đảm bảo việc triển khai đề án đạt được hiệu quả cao nhất khi trình các cấp thẩm quyền xem xét, thẩm định.

Dự thảo do UBND TP xây dựng sẽ sắp xếp 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận và thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sắp xếp ba quận là quận 2, 9 và Thủ Đức.

Cụ thể, với quận 2 sẽ nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm thành phường Thủ Thiêm; nhập phường Bình Khánh và phường Bình An thành phường An Khánh.

Quận 3: nhập phường 6, 7, 8 thành phường Võ Thị Sáu.

Quận 4: nhập phường 2 và phường 5 thành phường 2; nhập phường 12 và 13 thành phường 13.

Quận 5: nhập phường 12 và phường 15 thành phường 12.

Quận 10: nhập phường 2 và phường 3 thành phường 2.

Quận Phú Nhuận: nhập phường 11 và phường 12 thành phường 11; nhập phường 13 và phường 14 thành phường 13.

Với phương án tổng thể này, dự kiến sau khi sáp nhập, TP HCM giảm từ 24 quận huyện xuống còn 22 (bao gồm 16 quận, một TP và 5 huyện); giảm từ 322 xã, phường, thị trấn xuống còn 312 (249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).

Trong cuộc họp sáng ngày 25/9, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, về đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, khi không tổ chức HĐND quận, phường thì quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy.

Người dân có thể thể hiện quyền đại diện thông qua nhiều kênh như: Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội; Thường trực HĐND TP, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP,... và đặc biệt là sự phản ánh của khu phố cũng như ý kiến trực tiếp của người dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân phường và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Như đã đưa tin trước đó, ngày 3/10, TP HCM sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Hình thức phát phiếu lấy ý kiến cử tri theo từng hộ gia đình. Thời gian tổ chức lấy ý kiến cử tri tại các phường có liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ngày 3/10, bắt đầu từ 7h và kết thúc vào 19h cùng ngày.

Theo yêu cầu của UBND TP HCM, các phường có liên quan phải hoàn tất lấy ý kiến của người dân về việc sắp xếp và báo cáo cho HĐND phường trước ngày 5/10. Trước ngày 7/10, UBND các quận tổng hợp, báo cáo kết quả và gửi HĐND quận, UBND TP.


chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...