TP HCM: Xe tăng nhanh, cầu đường tăng chậm

Trong điều kiện xe ngày càng đông, cầu đường chậm xây dựng, lãnh đạo TP tìm lối thoát cảnh kẹt xe bằng xây dựng hệ thống giao thông công cộng.

Ngày 13/11, UBND TP HCM tổ chức hội nghị sơ kết phong trào “Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT) giai đoạn 2018-2020”. Tại hội nghị, lãnh đạo TP HCM cho hay số lượng xe cá nhân tăng mạnh và hệ thống cầu đường, vận tải công cộng trên địa bàn chưa phát triển tương xứng cho nên chưa giải quyết hiệu quả việc ùn tắc giao thông.

Mới đạt 8,5% đất dành cho giao thông

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết một trong những nguyên nhân chính gây ùn tắc tại TP HCM là do ý thức người dân còn thấp. “Ví dụ như phố đi bộ Nguyễn Huệ, dù dành cho người dân đi bộ nhưng xe máy thỉnh thoảng phóng ngang qua, rất thiếu ý thức giao thông” - ông Phong nói.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Phong cho biết lượng xe cá nhân tiếp tục tăng mạnh nhưng TP chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông chưa phát triển để kịp đáp ứng việc gia tăng phương tiện nói trên.

TP HCM: Xe tăng nhanh, cầu đường tăng chậm - Ảnh 1.

Giám sát giao thông thông minh tại trạm thu phí An Sương - An Lạc. (Ảnh: HOÀNG LONG)


Ông Phong thông tin, theo quy hoạch TP cần có 20%-23% diện tích đất dành cho giao thông nhưng đến nay chỉ có khoảng 8,5% diện tích cho cầu đường. Theo chương trình giảm ùn tắc trong năm năm, TP HCM đặt mục tiêu xây dựng mới khoảng 172 km đường nhưng theo thống kê mới nhất, hiện chưa đạt 40%.

"Dân số của TP HCM cứ năm năm tăng 1 triệu người, trong khi giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, họ buộc phải dùng phương tiện cá nhân. Chỉ khi giao thông công cộng phát triển đủ mạnh, việc giảm ùn tắc mới đạt hiệu quả" - Chủ tịch UBND TP HCM nói.

Đã có giám sát thông minh nhưng vẫn còn ùn tắc

Báo cáo trước đó, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM, cho biết đến nay giao thông ở khu trung tâm TP HCM đang được giám sát, điều tiết thông qua 762 camera giám sát, 136 camera đo đếm lưu lượng chuyên dụng, 216 tủ điều khiển tín hiệu giao thông trên 78 tuyến đường chính, 70 bảng thông tin, chín điểm kiểm soát tốc độ tự động và một số hệ thống riêng lẻ khác.

Bên cạnh đó, người dân có thể theo dõi thông tin về giao thông trên các công cụ trực tuyến. Cụ thể, từ tra cứu thông tin giao thông trên nền tảng Zalo đã phát huy hiệu quả khi thu hút hơn 200.000 lượt truy cập. Ngoài ra, cổng thông tin giao thông điện tử TP HCM cũng cung cấp tình trạng giao thông theo thời gian thực.

TP HCM cũng thực hiện thí điểm vé điện tử (smart card) dành cho khách đi xe buýt nhằm hướng đến hệ thống thanh toán điện tử hiện đại. Đây là nền tảng cho hệ thống vé điện tử liên thông dùng chung cho các phương tiện công cộng trong tương lai (gồm xe buýt, BRT, metro...).

Ông Tường nhìn nhận dù hàng loạt ứng dụng giám sát, điều tiết giao thông thông minh đã được ứng dụng nhưng tình trạng ùn tắc ở TP HCM vẫn chưa hiệu quả như mong muốn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.