“Hiện có bốn khu vực trọng yếu cần phải kết hợp các giải pháp chống kẹt xe, ùn tắc ở TP HCM là trung tâm TP, khu Nam, khu Đông và sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là những điểm nóng ùn tắc tồn tại dễ thấy nhất và cần ưu tiên các biện pháp để giải quyết”. Trao đổi với Pháp Luật TP HCM, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP HCM, cho biết như trên.
Giải ùn tắc trung tâm bằng nhiều biện pháp
Trong các khu vực trọng yếu mà Sở GTVT nêu, quan trọng nhất vẫn là khu trung tâm TP như các quận 1, 3, 5, 10… Theo Sở GTVT, đến nay câu chuyện ùn tắc giao thông ở trung tâm TP đang ở giai đoạn “vượt ngưỡng”, tức là đến lúc những giải pháp phi công trình cũng không còn phát huy hiệu quả khi hạ tầng giao thông gần như quá tải với mật độ phương tiện giao thông dày đặc.
“Số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng mạnh trong khi hệ thống hạ tầng giao thông phát triển không đáp ứng kịp, đồng thời chưa có giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân hiệu quả” - ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT, nhận xét.
Ngoài những giải pháp như các tuyến metro, hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt thì giải pháp thiết thực nhất về lâu về dài, ngành giao thông TP cho rằng chỉ có con đường “hạn chế phương tiện cá nhân”.
Theo Sở GTVT, đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân” đã được hoạch định từ hồi đầu năm. Cụ thể, sở đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án vào ngày 1-3-2019. Sau đó Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (đơn vị tư vấn) cập nhật, hoàn thiện.
Đến ngày 18-9-2019, Sở GTVT đã tổ chức họp các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về đề án trên. Hiện đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện để Sở GTVT tổng hợp, trình UBND TP trong tháng 11 này.
Ngoài ra, theo Sở GTVT, bài toán ùn tắc khu trung tâm cũng cần ứng dụng công nghệ thông minh (AI) để điều hành giao thông một cách hợp lý. Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho biết: “Cuối năm nay, vùng trung tâm TP sẽ ứng dụng xong AI. Ngoài ra còn có trung tâm quản lý điều hành giao thông đã đi vào hoạt động (đầu năm 2019) và đã triển khai nhiều giải pháp khác liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giao thông”.
Hỗn loạn giao thông tại giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh (quận 7). (Ảnh: T.TRINH)
Người đi xe máy đã tìm lối thoát không đúng luật là leo lên lề trong giờ cao điểm ở đường Nguyễn Tất Thành (quận 4). (Ảnh: T.TRINH)
Gỡ nút thắt khu Nam bằng hạ tầng
Ghi nhận của PV tuần qua tại khu Nam TP, khoảng 17 giờ 30 mỗi ngày, ô tô, xe máy từ đường Nguyễn Hữu Thọ qua cầu Kênh Tẻ (nối quận 4 và 7) rời trung tâm TP về quận 7 rất đông, gây ùn tắc, các phương tiện phải nhích từng chút một.
Riêng giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh (quận 7), lượng xe lớn từ ba hướng Nguyễn Hữu Thọ và cầu Rạch Đỉa 2, Nguyễn Văn Linh cùng dồn về một lúc khiến giao thông trở nên bế tắc.
Hằng ngày đều chứng kiến cảnh kẹt xe, ông Dương Văn Lên (bảo vệ một công ty trên đường Nguyễn Hữu Thọ) cho hay: “Việc này là nỗi kinh hoàng của người đi đường. Kẹt xe nghiêm trọng nhất là giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh. Các loại xe cứ đi loạn cả lên, mạnh người nào người nấy chen để qua cho được”.
Tương tự, trục Huỳnh Tấn Phát - cầu Tân Thuận (quận 7) - Nguyễn Tất Thành (quận 4) ngày ngày ùn tắc vào giờ cao điểm sáng, tối. Tại chân cầu Khánh Hội, xe khách liên tục ra vào khu vực Bảo tàng Hồ Chí Minh dẫn đến xe máy leo lề, ô tô ngừng di chuyển. Dọc tuyến đường này, lực lượng điều tiết giao thông phải kéo thanh barie cấm xe quẹo tại các giao lộ.
Về bài toán gỡ nút thắt cho khu Nam, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Vào tháng 8 vừa qua, sở đã có văn bản báo cáo UBND TP về việc tăng cường đầu tư hạ tầng cho khu vực này theo chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.
Theo đó, ngành giao thông sẽ triển khai các dự án: Nâng cấp mặt đường Huỳnh Tấn Phát (từ đường Trần Xuân Soạn đến phà Bình Khánh); xây dựng mới ba cầu (thay thế các cầu yếu Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm) trên đường Lê Văn Lương; xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ…
Tiếp tục đẩy nhanh thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án: Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (vượt Kênh Tẻ và rạch Bến Nghé) nối các quận 1, 4, 7; nâng cấp quốc lộ 50 (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An); xây dựng đường Nhơn Đức - Phước Lộc nối dài (đoạn từ cầu Kênh Cây Khô đến quốc lộ 50); xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng; xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50...
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết thêm: “Một công trình khác là dự án hầm chui ba tầng Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh sẽ phấn đấu khởi công vào quý I-2020. Dự án này có tổng vốn đầu tư trên 800 tỉ đồng. Tôi cho rằng sau khi hoàn thiện thì tình trạng ùn tắc giao thông trên hai trục đường Nguyễn Hữu Thọ thông qua cầu Kênh Tẻ sẽ giảm đáng kể”.
Mở đường “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất
Các tuyến đường chính kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất vào các khung giờ cao điểm như Cộng Hòa, Trường Sơn, Bạch Đằng, Hồng Hà, Phổ Quang, Hoàng Văn Thụ… dường như luôn tắc nghẽn.
Theo ghi nhận của PV, tuần qua vào khoảng 7 giờ sáng mỗi ngày, tại tuyến Bạch Đằng, dù là đường một chiều nhưng luôn xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Tầng tầng lớp lớp các loại phương tiện nối đuôi nhau đến gần 2 km. Để vượt qua đoạn đường này, nhiều xe máy ngang nhiên đi ngược chiều hoặc vòng lại đi những đường khác nếu thấy kẹt xe.
Đặc biệt, đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) chiều tối nào cũng kẹt xe triền miên, nhất là đoạn từ vòng xoay Cộng Hòa đến giao lộ Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý. Sự xung đột giữa hai dòng xe từ đường Cộng Hòa quẹo trái đường Tân Kỳ Tân Quý và đường Cộng Hòa đi thẳng làm tình hình kẹt xe nghiêm trọng hơn.
Trước mắt, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở TP HCM thì cần tập trung công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông; triển khai theo kế hoạch cụ thể và được duy trì thường xuyên, liên tục.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Ban ATGT TP, Công an TP và sở, ngành, quận, huyện có liên quan. Đặc biệt là các nhóm phản ứng nhanh bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm TP.
Ông VÕ KHÁNH HƯNG, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM
TP HCM có 10% người dân đi ô tô, 80% đi xe máy, còn lại dùng phương tiện khác. Trong vòng 10 năm qua, lượng ô tô TP đã tăng gấp đôi, xe máy thì nhiều vô kể, có thể thấy khu trung tâm một thời gian nữa mà chúng ta không làm gì thì thậm chí là không còn đường để đi.
Chi phí mở đường thì không thể theo kịp sự phát triển nên việc thu phí vào nội đô để hạn chế xe cá nhân cũng là việc cần làm và nên tính tới. Thu phí không dừng nên là giải pháp vì sẽ không gây ra ùn tắc. Nguồn thu từ việc này có thể quay lại dùng để phát triển giao thông công cộng.
Ông LÂM THIẾU QUÂN, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong
Người điều khiển xe máy phải luồn lách qua những con hẻm nhỏ dọc đường Cộng Hòa để thoát khỏi dòng xe đông đúc.
Theo Sở GTVT, với khu vực này ngành giao thông TP không còn cách nào khác ngoài mở đường. Tuyến đường mới dự kiến đầu tư gần 5.000 tỉ đồng được xem là một giải pháp giảm áp lực giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất sau khi mở rộng là đường Trần Quốc Hoàn.
Vừa qua dự án mở rộng đường này đã được Hội đồng thẩm định TP cho biết đã đủ điều kiện trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, để cải thiện tình hình giao thông cho khu vực trên, một số dự án khác cũng đang được triển khai như nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý (nằm trên địa bàn hai quận Tân Bình và Tân Phú).
Sở GTVT cũng thông tin thêm về việc đang tiến hành thí điểm ứng dụng AI vào khu vực này qua giải pháp nhận diện tự động phương tiện lưu thông vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Bài toán nan giải khu Đông
Ghi nhận của PV tại cửa ngõ phía Đông TP, vào sáng 4/11, hướng lưu thông từ đường Võ Chí Công qua vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2), lượng phương tiện rẽ trái qua đường Đồng Văn Cống để ra đại lộ Mai Chí Thọ khiến các hướng lưu thông trên trục Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái liên tục bị xung đột và rơi vào trạng thái ùn tắc nghiêm trọng.
Ngoài ra, tình trạng kẹt xe từ vòng xoay Mỹ Thủy - Đồng Văn Cống còn lan đến đường Mai Chí Thọ dẫn đến hàng loạt xe container xếp hàng dài chờ đợi.
Để giải quyết thực trạng ùn tắc giao thông khu Đông, TP đã nghiên cứu mở tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái (quận 2) đến đường vành đai 2.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, cho biết:
“Dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường vành đai 2 đã xong bước khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, đồng thời đang chờ chấp thuận của UBND TP để Sở GTVT phê duyệt”.
Theo Sở GTVT, trong kế hoạch từ nay đến cuối năm, ngành giao thông TP cũng tính đến việc mở rộng nhiều tuyến quan trọng nhằm giải cứu kẹt xe khu Đông.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cũng đã đồng ý cho nghiên cứu thực hiện công trình mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái, dài gần 2 km) và đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ vành đai 2 đến đường ra vào cảng Phú Hữu, quận 9).
Năm 2019, Sở GTVT đã ban hành danh mục 57 công trình trọng điểm, cấp bách. Hiện nay Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã triển khai thực hiện 37 công trình trọng điểm gồm 15 công trình chuẩn bị đầu tư và 22 công trình đang triển khai thực hiện đầu tư.
Về điểm đen, ngành giao thông sẽ triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp tại 11 điểm đen hiện hữu về tai nạn giao thông (phấn đấu xóa tiếp bảy điểm) và 28 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông (phấn đấu xóa 2-3 điểm theo chỉ đạo của UBND TP).
Tính đến tháng 9 năm nay, TP đang quản lý 7.899.896 phương tiện, gồm 742.808 ô tô và 7.157.088 mô tô. So với đầu năm 2019, tổng số phương tiện đăng ký mới tăng thêm 294.619 phương tiện, gồm 46.636 ô tô và 247.983 mô tô.