5.000 tỷ đồng để "lên trời gọi mưa"
Dự án "Lên trời gọi mưa" của ông Phan Đình Phương (Giám đốc Công ty CP Khoa học công nghệ An Sinh Xanh) đang gây xôn xao dư luận.
Trước ý kiến cho rằng dự án không khả thi, tốn kém, hoang tưởng...ông Phương khẳng định nếu được tạm ứng 5.000 tỷ đồng thì dự án chắc chắn sẽ thành công.
Vị giám đốc này lý giải: khi gió đưa quá nhiều mây từ biển vào đất liền thì 100 trạm chủ động đón mây gây mưa ngay trên vịnh Bắc bộ để giảm mây bay vào, giảm ngập lụt tắc đường cho các thành phố.
Ngoài ra, sẽ có 400 trạm điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc cho 63 tỉnh thành có đủ nước phục vụ nông lâm ngư nghiệp. 500 trạm còn lại trên hàng ngàn sông suối và hồ thủy điện rừng núi phía Bắc và dãy Trường Sơn để gây mưa; tạo lập hệ thống đề kè giữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn đảm bảo nước cho thủy điện thủy lợi và các vựa lúa đồng bằng Bắc Trung Nam, ổn định đời sống, giữ vững an ninh lương thực, quốc phòng và quốc gia.
Ông Phạm Đình Phương |
Ông Phan Đình Phương còn đề xuất thành lập Bộ chỉ huy Dự án cấp quốc gia và “tạo cơ chế thông thoáng đặc cách” để quản lý theo hình thức khoán gọn bằng kết quả cuối cùng và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu kịp thời đối phó thực sự hiệu quả với thời tiết.
Trong văn bản trình Thủ tướng, đơn vị đề xuất dự án đã rất mạnh dạn đưa ra đề nghị với Chính phủ có hình thức cho dự án tạm ứng khẩn 5.000 tỷ đồng. Số tiền này nhằm kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm đợt 1 vào 10/10/2016 tại Đà Nẵng và có vốn để tiếp tục triển khai trong năm 2016 và 2017.
Cha đẻ của con rồng phun nước trên Cầu Rồng tại Đà Nẵng
Được biết, ông Phan Đình Phương chính là "cha đẻ" của hệ thống phun nước trên cầu Rồng tại TP Đà Nẵng. Người đàn ông này tự hào khẳng định rằng trước khi ông "ra tay" Đà Nẵng đã mời nhiều công ty khác để thực hiện việc phun nước, phun mưa nhưng đều “bó tay”.
Ông Phương chia sẻ có khoảng 10 cách tạo "mưa nhân tạo" trên thế giới và cách dùng hóa chất chính là nước biển để tạo ra hơi nước bắn lên tạo mưa ông đề xuất không hề tốn kém, đắt đỏ như các công nghệ tạo mưa nhân tạo sử dụng hóa chất AgI.
Dự án "Lên trời gọi mưa" của ông Phương sử dụng chiếc máy chữa cháy đa năng được Cơ quan phát minh sáng chế Hoa Kỳ cấp bằng độc quyền nhằm giảm thiểu tối đa chi phí so với những phương án tạo mưa nhân tạo trước đây.
Ông Phương còn cho biết, nhiều người không tin sẽ có đường ống 1km đưa được lên cao. Trong khi đó, ông đã có được đơn vị liên hệ làm ống dài từ 5 đến 10 km, mà không phải nối và cuộn vào được.
Hệ thống dây sẽ được đỡ bằng khinh khí cầu để giảm trọng lượng, cũng như sử dụng máy bay trực thăng để điều khiển. Máy phát hơi nước để bơm lên cao được gắn trên xe ô tô khi ở đất liền hay trên tàu khi ở dưới biển.
Theo như lời khẳng định của ông Phương thì tất cả những việc trên đều sẽ thành sự thật |
"Công nghệ này từng được tôi bảo vệ thành công và được Bộ Khoa học Công nghệ tiến hành lắp đặt làm hệ thống làm mát cho Nhà máy điện nguyên tử đầu tiên tại Ninh Thuận đang xây dựng", ông Phương khẳng định.
Ông Phương cũng "tiết lộ" máy sử dụng khí nén CO2 đẩy nước, chất chữa cháy qua vòi phun, không cần dùng điện nhanh chóng dập tắt hiệu quả các đám cháy được Tổ chức Sở Hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho “điểm tuyệt đối”.
Hiện ông Phương rất trăn trở khi dự án không nhận được nhiều tin tưởng. Ông Phương cũng khẳng định, tất cả hơn 40 sáng chế của mình bao năm qua cũng dựa trên trí tưởng tượng, cùng với việc liên hệ thực tiễn cuộc sống để phát minh như máy “tóm” hơi xăng, máy sục rửa vỏ bình gas, xe hút bụi, đến máy chữa cháy tự hành…
Vietnammoi tiếp tục cập nhật thông tin.