Chiều 6/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Cảnh vệ. Nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm góp ý nhất là nên mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ.
Đặc biệt, theo chia sẻ của Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội, sau sự vụ xảy ra ở một tỉnh năm ngoái, nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng phải nằm trong diện được trang bị cảnh vệ.
Trao đổi thêm với Đất Việt về vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng cần phải phân biệt giữa cảnh vệ và bảo vệ. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Cảnh vệ là tập trung vào bảo vệ các “yếu nhân”, trước mắt là các vị trí quan trọng bậc nhất của nhà nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, nguyên Thủ tướng, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước...
Theo ông Nhưỡng, Chủ tịch, Bí thư tỉnh thuộc diện cán bộ được bảo vệ. Do đó đề nghị mở rộng và nằm trong diện được trang bị cảnh vệ là chưa phù hợp.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nếu lãnh đạo tỉnh công tâm và gần dân thì sẽ được người dân bảo vệ |
“Cấp tỉnh không thuộc phạm vi yếu nhân nên không thể để cảnh vệ bảo vệ được. Hơn nữa không phải lúc nào cũng nảy sinh ra những câu chuyện như kiểu Yên Bái.
Thực tế Chủ tịch hay Bí thư tỉnh là đối tượng được bảo vệ thường xuyên ở cơ quan. Giờ mỗi cán bộ này mà có thêm 2 cảnh vệ nữa thì đất nước ta ai cũng là cảnh vệ cả”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Đặc biệt, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ, nhiều ý kiến còn cho rằng Bí thư, Chủ tịch tỉnh, huyện, xã phải là nơi gần dân nhất. Vì thế thay vì lo sợ gặp những sự việc rắc rối, mất an toàn thì những lãnh đạo này cần phải công tâm và thật sự gần dân.
“Nếu cán bộ làm đúng thì nhân dân sẽ bảo vệ và không cần cảnh vệ gì cả. Nếu lãnh đạo tuyệt vời, không làm điều gì sai trái thì hoàn toàn không phải lo sợ gì cả”, ông Nhưỡng chia sẻ thêm.
Chia sẻ với Đất Việt, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng cần phải cân nhắc việc mở rộng đối tượng Chủ tịch, Bí thư tỉnh nằm trong diện được cảnh vệ bảo vệ.
“Nếu mở rộng quá thì liệu chúng ta có đủ lực lượng hay không? Hơn nữa, Việt Nam là một đất nước yên bình, ổn định về chính trị. Cán bộ sống với dân đã là an toàn thì không nhất thiết cần cảnh vệ bảo vệ”, ông Hà nhấn mạnh.
Để tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra, ĐB Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật phải có biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là thống kê cụ thể những địa điểm và các cá nhân cần được bảo vệ.
Nhiều tỉnh muốn Bí thư, Chủ tịch tỉnh có cảnh vệ riêng
Sau sự việc ở một số địa phương, nhiều tỉnh đề nghị cần đưa Bí thư, Chủ tịch tỉnh vào đối tượng cảnh vệ. |