Nhọc nhằn tìm con chữ
Các em học sinh đội đèn, mò mẫm trong đêm tối đến trường từ 4h sáng. |
Ngôi làng H’Mông, huyện Cư M’gar, nằm sâu trong rừng, tập trung chủ yếu là đồng bào H’Mông di cư từ Hà Giang vào. Con đường vào làng lầy lội bùn đất, do những ngày mưa kéo dài. Nơi đây, chẳng khác nào một ốc đảo biệt lập.
Nhìn những ngôi nhà sàn cũ kỹ, lụp xụp, người ta có thể cảm nhận được cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám mãi nơi này. Và, những đứa trẻ ở đây rất vất vả để đến trường, nhất là vào mùa mưa, các em phải vượt hơn 10 km đường rừng để có thể tiếp cận được con chữ.
Như mọi ngày, khi trời còn tối đen, sương rừng ẩm ướt, học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 tập trung đông đủ ở nhà anh Thào Văn Thanh (40 tuổi), để bắt đầu cuộc “hành trình đi tìm con chữ”. Bạn đồng hành của chúng là chiếc xe đạp cũ kỹ, hoen rỉ vì nắng mưa và bữa ăn mang theo chỉ là chai nước lọc, nắm cơm, đôi khi các em còn phải nhịn đói để đến trường.
Dưới ánh đèn mập mờ của chiếc đèn pin, những mần non tương lai phải mò mẫm trong rừng để tìm đường đi. Với chiếc xe đạp, cặp sách trên vai, đôi chân nhỏ bé của chúng chinh phục không biết bao nhiêu quãng đường lầy lội và vô số con suối chảy siết.
Rừng sớm tĩnh mịt, tiếng cót két phát ra từ chiếc xe đạp cũ, như phá tan sự tĩnh tại của cánh rừng. Với những đoạn dốc cao chênh vênh, các em phải dắt bộ, khi gặp đoạn đường trơn trượt các em phải gồng mình, giữ vững tay lái để không bị té ngã.
Với dáng người nhỏ bé, mảnh khảnh đạp xe trong đêm tối, em Thào Thị Ngân (học sinh lớp 6A, trường THCS Hoàng Văn Thụ) cho biết, suốt hai năm nay em đều phải thức dậy đi học từ 4h sáng. Mặc dù quãng đường rất khó khăn, đặc biệt vào những ngày mưa, đường bùn lầy, kết dính, nhưng em chưa nghỉ học ngày nào.
Con đường đến trường vẫn cứ gian nan, trắc trở, thế nhưng nụ cười vẫn hé nở trên môi những đứa trẻ này. Có lẽ, niềm vui được học cái chữ, giao tiếp thầy cô và bạn bè đã khiến đám trẻ H’Mông quên đi những khó khăn, nhọc nhằn trên đường đến trường. Mồ hôi nhễ nhại trên trán các em, tiếng cười nói râm ran khi vượt qua những đoạn đường trắc trở, để thấy rằng: “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.
Em Lù Thị Dung (học sinh lớp 4, trường tiểu học Mạc Thị Bưởi) lau vội những giọt mồ hôi trên trán: “Mỗi ngày em đạp xe khoảng 2h đồng hồ là đến trường, hôm nào mưa thì em mất nhiều thời gian hơn vì đường trơn trượt em và các bạn bị té đau lắm. Nhưng được đến trường, được đi học cùng các bạn là em thấy vui rồi nên không thấy mệt và đau nữa”.
Những câu trả lời ngô ngê nhưng ẩn chứa một ước mơ to lớn. Có lẽ, các em không mong mình có xe đạp mới, quần áo mới mà chỉ mong có con đường mới để tự tin sải bước đến trường.
Lưng chừng mơ ước
Quãng đường đầy khó khăn, lầy lội nhưng vẫn không ngăn các em đến trường. |
Làng H’Mông gồm 114 hộ dân, 470 khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông từ Hà Giang di cư vào. Cuộc sống của các hộ dân nơi đây vô cùng thiếu thốn, do không có điện lưới quốc gia, đường đi lại khó khăn. T
Trước đây, khi chưa có xe đạp các em vẫn thường rủ nhau đi bộ, khó khăn lại nhân gấp trăm lần.Nhiều em đã bỏ học do quãng đường đến trường quá xa và khó khăn số khác phải ở nhà phụ gia đình làm nương rẫy. Còn các em chăm học cũng chỉ học hết lớp 9, do gia đình không có sổ hộ khẩu để vào trường công.
Con đường thường xuyên lầy lội. |
Trao đổi về những gian nan, nhọc nhằn của các em trên đường đi tìm con chữ, thầy Nguyễn Tấn Dũng, Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết: “Nhà trường thường xuyên phát động phong trào quyên góp, ủng hộ sách vở cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, muốn giúp các em có thêm động lực để đến trường”.
Không ít lần thầy cô của trường bắt gặp học sinh của mình với khuôn mặt trắng bệch, mắt lờ đờ vì đói khiến họ không khỏi xót xa.
Với ánh mắt đượm buồn, em Cư Thị Hằng (học sinh lớp 9) chia sẻ, có thể đây là năm học cuối cùng đối với em, những giấc mơ, hoài bão em ấp ủ bấy lâu nay sắp tan biến. “Năm nay là năm cuối cấp 2 của em, sang năm em không được đến trường nữa do gia đình em khó khăn, lại không có sổ hộ khẩu. Ước mơ trở thành thợ may của em chắc không bao giờ thành hiện thực được”.
Ước mơ con chữ trên núi rừng. |
Cũng trao đổi về vấn đề các em học sinh làng H’Mông gặp nhiều trắc trở khi đến trường, ông Nguyễn Đình Hiệp, chủ tịch UBND xã Ea Kiết cho biết, việc các em học sinh không được học cấp 3 là do các bậc phụ huynh không chịu di dời ra khu tái định cư mới.
“Chúng tôi không thể yêu cầu trường cấp 3 tạo điều kiện cho các em không có sổ hộ khẩu đi học được, vì đây là quy định. Nhưng đa số các em học hết cấp 2 thì đều nghỉ học. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, chính quyền xã đã đề xuất ý kiến mong UBND huyện tạo mọi điều kiện giúp đỡ các em. Chính quyền xã cũng đã kêu gọi các hộ dân ra khu tái định cư mới sinh sống, nhưng người dân khu vực làng H’Mông vẫn nhất quyết không ra”, ông Hiệp nói.