Cảnh báo nguy cơ 'tự mở cánh cửa vào trại tâm thần' khi kích bán cầu não cho trẻ |
Một em nhỏ tham gia buổi thách thức do Chủ tịch Hiệp hội duy lý Ấn Độ Narendra Nayak tổ chức hồi tháng 4/2015. Ảnh: nirmukta |
Khoá học "Kích thích não giữa" bắt đầu nở rộ tại Ấn Độ đầu năm 2015. Theo quảng cáo, chương trình đào tạo đặc biệt sẽ giúp trẻ phát triển "con mắt thứ ba", dễ dàng thực hiện sinh hoạt thường ngày hoặc thậm chí đọc sách mà không cần mở mắt.
Nhiều bậc phụ huynh tin rằng sau khi tham gia khoá học có chi phí 150-380 USD, trẻ sẽ cải thiện trí nhớ và sự tập trung, khi những khoảng trống chưa được sử dụng trong não được đánh thức. Trung tâm chỉ nhận trẻ từ 5-15 tuổi, gọi đây là lứa tuổi vàng, Hindu Times cho hay.
Tuy nhiên, các nhà khoa học giáo dục nhận định đây là cách núp bóng khoa học để lừa gạt những phụ huynh ước con em trở thành thiên tài.
Tháng 4/2015, Narendra Nayak, một nhà duy lý, đưa ra số tiền 7.500 USD để thách thức các trung tâm nào chứng minh được quảng cáo. Đề nghị này được Vinoj Surendran, người điều hành Indegium India, trung tâm thường tổ chức chương trình "khơi dậy tiềm năng bộ não trẻ", chấp nhận.
"Ban đầu ông Surendran đồng ý công khai chứng minh tại thành phố Kozhikode vào ngày 19/4, nhưng sau vài ngày lại tỏ ra lưỡng lự và muốn sự việc không liên quan tới tài chính", Nerenda Nayak, Chủ tịch Hiệp hội những người duy lý Ấn Độ, cho biết.
Trước lịch hai ngày, ông Vinoj bất ngờ rút lui với lý do Nayak là nhà duy lý.
"Chẳng ích lợi gì khi cố chứng minh với một người thậm chí không tin sự tồn tại của Thượng đế. Hơn nữa, những đứa trẻ được kích thích não giữa chỉ khi ở trạng thái thiền, không phải trong tâm lý e dè và tiêu cực", Vinoj nói, khẳng định trung tâm sử dụng phương pháp yoga trong giảng dạy.
Các nhà duy lý nhận định, trẻ có thể nhìn lén qua tấm che mắt thông thường và sẽ thất bại nếu dùng kính bơi lội bảo hộ đen, hay tấm che hoàn toàn cách ly mắt với ánh sáng.
Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch Hiệp hội ảo thuật gia Kollam R.C. Bose cho hay phương pháp các trung tâm áp dụng không khác gì trò ảo thuật đơn giản, tương tự bịt mắt lái xe máy. Bose tuyên bố giới ảo thuật gia sẵn sàng thách đấu các trung tâm để chứng minh. Dù vậy, các phụ huynh nói họ "hoàn toàn hài lòng với hiệu quả khoá học và chỉ có số ít nhà duy lý phản đối".
Tổng thư ký hiệp hội duy lý Bharateeya, Sreeni Pattathanam, cũng khẳng định đây là trò bịp. Theo ông, mánh khoé chỉ thành công nếu cuốn sách ở trước mắt. Nếu có thể chứng minh trẻ đọc được cả tài liệu phía sau đầu, phương pháp này nên được phổ biến cho người khiếm thị.
Sự việc cuối cùng được làm sáng rõ vào đầu năm 2016 trong một sự kiện ở thành phố Hyderabad. Các em nhỏ bịt kín mắt được cho là chỉ cần "ngửi" và sờ chữ là có thể đọc nội dung. Song, sau khi nội dung bị che kín, trẻ không thể đọc như trước.
Sau kiểm tra, các chuyên gia cho biết trẻ tham gia khóa học và cả phụ huynh đều bị lừa. Tệ hơn, những đứa trẻ có thể trở thành phương tiện để nhiều trung tâm lừa gạt nhiều gia đình khác. Một ảo thuật gia lý giải, khi được thuyết phục có khả năng đặc biệt, trẻ cũng có thể chịu ảnh hưởng tâm lý.
Khoá học "Kích bán cầu não" được quảng cáo là giúp trẻ phát triển các khả năng đặc biệt như đoán màu sắc hay đọc sách mà không cần nhìn trực tiếp. Ảnh: VNM |
Thời gian gần đây, các lớp học "Kích bán cầu não" cũng xuất hiện tại Việt Nam, nhắm tới phụ huynh mong muốn biến con em thành "siêu nhân" khi làm những việc ngoài khả năng thực tiễn. Lớp học được quảng cáo giúp trẻ phát triển khả năng đặc biệt như bịt mắt lại vẫn phân biệt được màu sắc, đọc sách báo, học lớp 1 nhưng có thể vận dụng giải toán cấp 3.
Theo ông Lê Trung Tuấn, Giám đốc Viện nghiên cứu tâm lý PSD, việc phụ huynh cho con tham gia lớp huấn luyện kích bán cầu là sai lầm và gây ra hậu quả nghiêm trọng sau này.
Cá nhân ông Tuấn đồng ý với quan điểm cho rằng con người mới chỉ sử dụng một phần công năng của bộ não, nhiều khu vực khác chưa được sử dụng và tạo ra khoảng trống. Đối với người được coi là thiên tài, khoảng trống được sử dụng ở một mức độ nào đó nhưng đây là sự phát triển tự nhiên, không do tác động từ yếu tố bên ngoài.
Theo đó, việc phụ huynh đưa con đến các lớp tập huấn để làm nhưng việc "hơn người" vô hình khiến bộ não của trẻ hoạt động trái quy luật tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, thậm chí là khả năng hoạt động, dẫn đến bệnh trầm cảm, thiếu khả năng kiểm soát chi phối của não bộ, thậm chí tâm thần phân liệt.
Ông Tuấn cũng cho rằng, việc tập huấn kích bán cầu não sẽ biến trẻ thành người "lập dị", không hoà nhập với môi trường cộng đồng khi luôn suy nghĩ mình có khả năng hơn người.