Trồng cây cho hạt đắt như vàng ròng, xây nhà lầu sắm xe hơi

Ở xứ Mường này, nhờ cây dổi mà nhiều gia đình thoát được nghèo, thậm chí làm giàu, xây được nhà lầu, sắm được xe hơi để đi. Năm nay cũng nhờ bán cây dổi giống mà HTX của ông Bun thu được khoảng 6 tỉ đồng.

Đó là câu chuyện về cây dổi - loại cây từ trồng lấy gỗ dựng nhà sản nay cho hạt bán đắt như vàng ở xã Chí Đạo (Lạc Sơn, Hòa Bình). Cuối năm 2019, hạt dổi chính thức trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương, được người Đức đánh giá cao về chất lượng, mùi vị và ngỏ ý muốn mua với số lượng lớn đem về Đức chế biến.

Từ cho không nay đắt như vàng ròng

Khép lại vụ dổi năm 2019 được mùa được cả giá, ông Bùi Văn Bun - Trưởng xóm Be Trên (Chí Đạo, Lạc Sơn) khoe: “Tết này ăn to rồi. Tôi vừa mua con lợn 1 tạ để hai gia đình mổ chia nhau ăn Tết, thêm vài con gà nữa”.

Ngồi trong căn nhà sàn với đầy đủ tiện nghi, ông Bun tiết lộ mấy thứ đồ điện tử ông mua được đều là nhờ cây dổi cho hạt bán. Như chiếc tivi màn hình phẳng 43 inch kê ngay giữa nhà và chiếc tủ lạnh to đặt kế bên ông sắm cách đây 4 năm cũng là nhờ vào tiền bán hạt dổi.

Trồng cây cho hạt đắt như vàng ròng, xây nhà lầu sắm xe hơi - Ảnh 1.

Hạt dổi - loại hạt bán đắt như vàng ròng của người dân xã Chí Đạo.

Ông Bun kể, từ khi ông sinh ra đã thấy cây dổi được trồng trong vườn nhà. Thế nhưng, trước năm 2000, người dân quê ông trồng dổi chỉ để lấy gỗ dựng nhà sàn, không biết khai thác hạt dổi đem bán như bây giờ. Khi ấy, đến mùa dổi rụng quả, người dân chỉ nhặt hạt đem ngâm rượu làm thuốc xoa bóp chữa đau chân, đau tay, đau lưng. Ai bị ho chỉ nhai 1-2 hạt là đỡ. Dổi tích trong nhà, ai cần thì cho chứ không mua bán gì.

Còn dùng hạt dổi làm gia vị thì mỗi lần đem vài hạt ra nướng. Hạt dổi nướng thơm lừng được giã kĩ cùng muối trắng khô. Muối dổi dùng để chấm thịt gà, thịt lợn và làm gia vị cho nhiều món ăn độc đáo.

Dù có nhiều giá trị, song người dân nơi đây không coi cây dổi là kế sinh nhai. Bao đời nay, họ vẫn chỉ trồng ngô, trồng lúa làm cây lương thực và thu nhập chính. Thế nên, cuộc sống khó khăn, đói nghèo đeo bám.

Song, từ năm 2000 trở lại đây, mọi chuyện đã khác. Hạt dổi bắt đầu được giá. Vào mùa quả chín, người dân chú tâm thu hoạch quả, tách hạt phơi khô rồi đem bán với giá vài trăm ngàn đồng mỗi cân. Cứ thế, dổi được giá, năm sau giá lại tăng cao hơn năm trước.

Đỉnh điểm đến năm 2015, hạt dổi khô được các thương lái săn mua với giá lên tới 3 triệu đồng/kg. Vậy là, từ loại hạt trước đây chỉ đem cho nhau bỗng nhiên có giá đắt như vàng ròng. Đây cũng là nguyên nhân dân xứ Mường bắt đầu trồng cây dổi để lấy hạt.

Chỉ ra vườn dổi trồng trước mặt nhà sàn, ông Bun cho biết, vườn nhà ông có 20 cây đang cho thu hoạch. Những cây dổi này có đường kính gốc lên tới 50cm, cây cao khoảng 35-50m. Vụ vừa rồi dổi sai quả, lượng hạt khô thu về được tới hơn 1 tạ, thương lái tới nhà mua hết sạch.

“Tôi bán giá 1,4 triệu đồng/kg, tính ra cũng được 140 triệu đồng tiền bán hạt”. Ông khoe thêm, mấy năm nay năm nào cũng được trên dưới 1 tạ hạt dổi khô đem bán nên cuộc sống gia đình có phần sung túc, không còn đói nghèo như xưa.

Ngày trước, trồng lúa thu được 1 tấn, để lại chỉ đủ ăn mà bán đi được khoảng 6 triệu. Còn dổi không phải chăm bón vất vả, thu hạt bán được rất nhiều tiền. Thế nên, dổi giờ trở thành cây đem lại thu nhập chính cho gia đình ông và người dân ở xã này.

Xóm Be Trên giờ đi đâu cũng thấy cây dổi. Có 80 hộ dân thì cả 80 hộ trồng dổi. “Thương lái vào tận nơi mua hạt. Ít cũng mua mà nhiều cũng mua. Thậm chí chỉ 0,5-1kg họ cũng vào mua hết. Giá lại cao nên Tết này người dân ấm no rồi”, ông nói.

Trồng cây cho hạt đắt như vàng ròng, xây nhà lầu sắm xe hơi - Ảnh 2.

Chỉ cần có vài chục cây dổi trong vườn là người dân có thể thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ hạt dổi (ảnh: Dân Việt)

Dân đổi đời, thu tiền tỉ mỗi năm

Ngồi bấm đốt ngón tay rồi nhấp một ngụn nước trà, ông Bun nói tiếp: “Tôi tính rồi, năm Dần được tuổi tôi sẽ phá nhà này để cất căn nhà mới khang trang hơn. Vẫn làm nhà sàn thôi nhưng làm to đẹp hơn ở cho tiện nghi. Còn tivi, tủ lạnh, vật dụng trong nhà sắm đủ hết rồi”.

Hai năm gần đây, ông và 20 hộ dân khác trong xóm thành lập HTX chuyên ươm và ghép cây dổi bán giống. Mỗi năm, HTX của ông cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu cây thực sinh, 40.000-50.000 cây dổi ghép.

Cây thực sinh phải trồng từ 9-10 năm mới cho thu hoạch quả, còn cây ghép thì chỉ khoảng 3-4 năm. Theo ông, dổi là cây rất dễ chăm sóc, 2 năm đầu tiên chỉ cần bón phân chuồng hoai mục, sau đó để tự cây lớn và chờ đến ngày thu hoạch. Một cây dổi lâu năm cho thu khoảng 25-30 kg hạt khô/năm, cây mới thu hoạch thì cho khoảng 7-8kg hạt khô.

Những năm gây đây, dổi trở thành cây trồng chính trong vùng. Người dân mở rộng diện tích trồng dổi, người dân tỉnh khác cũng tới xã Chí Đạo mua dổi giống về trồng. Thành ra, lượng cây giống bán ra tăng mạnh. Như năm vừa rồi, nhờ bán cây giống mà HTX của ông đạt doanh thu khoảng 6 tỷ đồng.

“Ở đây nhiều gia đình thoát khỏi đói nghèo rồi giàu có lên từ cây dổi. Thậm chí có người còn thu tiền tỉ từ cây trồng này. Như ở thôn Be Trên, nhờ vào cây dổi mà xây được nhà lầu, mua được xe ô tô đi”, ông Bun khoe và tiết lộ, nhà ông mỗi năm tính cả bán hạt dổi và bán cây giống cũng thu được khoảng 400-500 triệu đồng.

Trồng cây cho hạt đắt như vàng ròng, xây nhà lầu sắm xe hơi - Ảnh 3.

Những năm gần đây, nhờ ươm cây, ghép cây giống dổi mà người dân xứ Mường còn thu được tiền tỉ (ảnh: Dân Việt)

Là một hộ đổi đời từ cây dổi, anh Bùi Văn Nhỏ ở xóm Be Trên khoe, gia đình anh có 3.000m2, trồng 100 cây dổi, trong đó có 80 cây lâu năm. Vụ vừa rồi, anh thu được gần 1 tấn hạt đỏ phơi khô đem bán, đút túi cả mấy trăm triệu đồng.

“Mấy năm nay năm nào cũng vậy. Cứ mỗi năm thu vài trăm triệu đồng. Tiền này tôi dùng để trang trải cuộc sống, xây được căn nhà khang trang. Mới đây sắm thêm xe ô tô để phục vụ công việc, sinh hoạt gia đình”, anh chia sẻ.

Ông Quách Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Chí Đạo, cho biết, có 6 xóm, 642 hộ, dân tộc Mường chiếm tới 99%, tỉ lệ hộ nghèo còn 28%, cận nghèo 49%. Mặc dù là xã vùng đặc biệt khó khăn nhưng nhờ cây dổi quý, cơ cấu kinh tế của xã có sự chuyển dịch tích cực, hộ khá, giàu chiếm 23%.

Hiện toàn xã có 40ha trồng dổi, tương đương khoảng 15.000 cây, trong đó một nửa số cây đã cho thu hoạch. Vụ dổi năm 2019, sản lượng toàn xã đạt 25 tấn hạt đỏ, đem phơi khô được 7,5 tấn hạt khô. Giá hạt khô trung bình 1,4 triệu đồng/kg, tính ra doanh thu đạt khoảng trên 10 tỉ đồng.

Song, số tiền trên mới chỉ là thu từ tiền bán hạt, còn tiền bán cây giống chưa tính. Ông Bun cho hay, lượng cây giống cung ứng ra thị trường lên tới 2,2 triệu cây thực sinh, giá bán cây ươm 5.000-7.000 đồng/cây. Ngoài ra còn cung ứng 200.000 cây giống dổi ghép với giá bán 50.000-60.000 đồng/cây.

Tính tổng cả bán hạt và cây giống, năm qua, người dân xã Chí Đạo thu gần 35 tỉ đồng.

Cũng theo ông Tuấn, vài năm gần đây, nhờ việc ươm, ghép cây và bán hạt dổi, nhiều gia đình ở xứ Mường đã xây nhà khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi đắt tiền cho nhu cầu sinh hoạt như ô tô, xe máy, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương.


chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.