Trong nước 1.000 tỷ, ngoài nước chỉ 300

Để thành lập một trường ĐH, với nhà đầu tư trong nước tối thiểu phải có 1.000 tỷ, song với nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần tối thiểu 300 tỷ đồng. Ngoài ra, với các trường trong nước phải có tối thiểu 5ha đất, nhưng với các trường nước ngoài lại không quy định và có thể đi thuê cơ sở vật chất.
trong nuoc 1000 ty ngoai nuoc chi 300
Nếu có lộ trình tăng vốn điều lệ hợp lý, bức tranh ĐH Việt Nam sẽ khác. Ảnh: Nghiêm Huê.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, trường ĐH FPT nêu lên bất cập trên tại hội thảo về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Bộ GD&ĐT tổ chức hôm qua, 15/5.

Với bậc ĐH, ông Lê Trường Tùng đã nêu ra những rào cản đang ngáng chân các trường ĐH. Hiện nay đầu tư của nước ngoài cho giáo dục được quy định trong nghị định 73/2012/NĐ-CP, còn đầu tư trong nước cho giáo dục được quy định trong nghị định 46/2017/NĐ-CP.

Để thành lập ĐH, dường như với tinh thần “hiếu khách”, trải thảm đỏ và “bảo hộ quốc tế”, quy định của nước ta là trong nước tối thiểu 1.000 tỷ (theo Nghị định 46), nước ngoài tối thiểu 300 tỷ đồng (theo Nghị định 73). Bất hợp lý thứ hai mà ông Tùng đưa ra đó là về đất. Với các trường trong nước tối thiểu 5ha đất (Nghị định 46). Các trường nước ngoài không quy định.

Thứ ba là xây trường. Trường ĐH trong nước phải xây. Còn trường nước ngoài có thể thuê cơ sở vật chất.

“Cũng với tinh thần “hiếu khách”, theo Điều lệ trường ĐH (Quyết định 70 của Thủ tướng), trường có vốn đầu tư nước ngoài được hoàn toàn tự chủ về cơ cấu tổ chức, bao gồm cả việc tự chủ về hiệu trưởng. Còn trường ĐH trong nước, hiệu trưởng phải là tiến sĩ, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm quản lý cấp khoa/phòng trở lên, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt (Luật Giáo dục Đại học)” - ông Tùng nêu thực tế.

Một nghịch lý nữa trong văn bản pháp quy hiện hành được ông Lê Trường Tùng chỉ ra đó là một trường ĐH khi thành lập phải có vốn 1.000 tỷ. Đây cũng là điều cần thiết để trường ra trường theo quan điểm chất lượng, cũng thể hiện quan điểm đầu tư ĐH là đầu tư lớn, phải đủ tầm. Nhưng quy định này lại không yêu cầu “hồi tố” các trường ĐH đã thành lập rồi thì không cần tăng vốn, cũng không áp dụng cho trường công - nên thành quan điểm chất lượng nửa vời.

Theo ông Lê Trường Tùng, nếu áp dụng định mức đầu tư này cho tất cả các trường ĐH theo lộ trình tăng vốn phù hợp, chẳng hạn 3 năm (250 tỷ, 500 tỷ, 1.000 tỷ) thì đến năm 2020 bức tranh giáo dục ĐH Việt nam sẽ đổi khác.

Bộ GD&ĐT nói gì ?

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong điều kiện hoạt động giáo dục từ phía các trường, đại diện các vụ chức năng của Bộ GD&ĐT đều nhận định việc cắt giảm điều kiện kinh doanh trong hoạt động giáo dục là cần thiết.

Tuy nhiên, ông Đặng Quang Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết quan điểm là cắt giảm nhưng phải đảm bảo chất lượng. “Thủ tướng giao cắt giảm 50% không có nghĩa phải làm bằng được số đó mà không quan tâm đến điều kiện đảm bảo chất lượng.

Các tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH là phải đảm bảo” - ông Việt nhấn mạnh. Ông cũng khẳng định những bất bình đẳng điều kiện thành lập các trường trong nước và có yếu tố nước ngoài được đại diện trường ĐH FPT phản ánh ở trên có lẽ do yếu tố lịch sử. Vụ cũng như Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu ý kiến này.

Tham gia thảo luận tại hội thảo, ông Hoàng Anh Đức, công ty cổ phần giáo dục Edufit cho rằng hiện tại không có văn bản quy phạm pháp luật nào cấm bổ nhiệm hiệu trưởng là người nước ngoài.

“Đối với bậc ĐH, không chỉ các đơn vị quốc tế như RMIT mới có hiệu trưởng là người nước ngoài. ĐH Việt Đức là trường ĐH công lập đầu tiên có hiệu trưởng là người nước ngoài từ năm 2008. Năm 2016, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã bổ nhiệm một giáo sư Nhật Bản làm hiệu trưởng một trường thành viên (ĐH Việt Nhật)” - ông Hoàng Anh Đức nêu thực tế.

Nhưng với bậc phổ thông, vì chưa có thông tư hướng dẫn nên các trường hoàn toàn bị “bó chân”, phải duy trì cả hiệu trưởng nước ngoài để vận hành và hiệu trưởng Việt Nam để bảo đảm không bị làm khó dễ.

Thậm chí trong thông tư về Chuẩn hiệu trưởng tiểu học, Điều lệ trường THCS, THPT và phổ thông có nhiều cấp học đều mô tả rất rõ các tiêu chí để bổ nhiệm hiệu trưởng mà không có tiêu chí nào giới hạn, bắt buộc hiệu trưởng phải là công dân Việt Nam.

Ông Đặng Quang Việt cũng cho biết thời gian vừa qua, khi thành lập trường, các trường ĐH đều nói thực hiện các điều kiện theo lộ trình. Nhưng thực sự cam kết đó không mấy trường đảm bảo.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT cho biết trong số các thủ tục được đề nghị cắt giảm thì không thấy có nhiều thủ tục hành chính mà chủ yếu là vấn đề liên quan đến các điều kiện thực hiện.

Theo bà Hiếu, dưới góc độ nhà đầu tư, các trường đều muốn làm thế nào để giản tiện nhất thủ tục cho nhà đầu tư. “Còn dưới góc độ nhà quản lý giáo dục, chúng tôi phải quan tâm đến chất lượng. Không vì mục tiêu cắt giảm tối đa thủ tục hành chính mà ảnh hưởng đến quản lý chất lượng giáo dục” - bà Hiếu bày tỏ quan điểm.

Theo Bộ GD&ĐT, Nghị định 46 được Chính phủ ban hành năm 2017 có 212 điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong số đó, Bộ GD&ĐT đề xuất bãi bỏ (cắt giảm) 81 điều kiện, chiếm 38,2%. Tổng số điều kiện kinh doanh đề nghị đơn giản hóa là 29 điều (chiếm 13,7%). Như vậy, tổng số điều kiện kinh doanh đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa là 110 điều kiện, chiếm 51,9%.
trong nuoc 1000 ty ngoai nuoc chi 300 Nhà đầu tư giáo dục đề nghị cắt giảm hàng loạt quy định không hợp lý

Để thu hút tốt hơn vào giáo dục, nhà đầu tư đang kiến nghị cắt giảm hàng loạt quy định được cho là gây khó ...

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.