Trung Nam đề xuất đầu tư dự án thủy điện tích năng hơn 1 tỉ USD tại Ninh Thuận

Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Cty Trung Nam) vừa đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án thủy điện tích năng Ninh Sơn với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD.

Theo Trung Nam trước đây, trong qui hoạch điện VII có định hướng phát triển một nhà máy thủy điện tích năng tại địa bàn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, trong qui hoạch điện VII điều chỉnh đã loại bỏ dự án ra khỏi qui hoạch.

Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ còn một Nhà máy thủy điện tích năng tại huyện Bác Ái với công suất 1.200 MW.

Trung Nam đề xuất dự án thủy điện tích năng hơn 1 tỉ USĐ tại Ninh Thuận - Ảnh 1.

Ảnh minh họa nhà máy thủy điện tích năng ở Lithuania.(Ảnh: Energystorageexchange)

Cũng theo Trung Nam, theo dự thảo qui hoạch điện VIII có định hướng phát triển các loại hình nguồn điện linh hoạt (thủy điện tích năng, pin tích năng, động cơ đốt trong sử dụng LNG,...) phù hợp với qui mô nguồn năng lượng tái tạo.

Đối với dự án thủy điện tích năng Ninh Sơn, trước đây đã được Tư vấn EPDC (nay là JPOWER) tổ chức nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Hiện Trung Nam kế thừa một số nội dung của dự án thủy điện tích năng Ninh Sơn như qui mô công suất 1.200 MW (gồm 04 tổ máy, lượng điện sản xuất hằng năm khoảng 8.973 MWh/năm).

Hồ trên có diện tích khoảng 44,8 ha, chiều cao đập khoảng 55m, dung tích khoảng 6,17 triệu m3, hồ dưới có diện tích khoảng 42,9 ha, chiều cao đập khoảng 58m, dung tích khoảng 6,17 triệu m3. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.023 triệu USD.

Theo đó, Trung Nam kiến nghị UBND tỉnh, các Sở, ngành và địa phương ủng hộ chủ trương cho Công ty được nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất dự án, làm cơ sở để Chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn (Công ty tư vấn xây dựng điện 4) tổ chức nghiên cứu, xác định cụ thể ranh giới lập qui hoạch của dự án và triển khai các bước tiếp theo.

Trung Nam đề xuất dự án thủy điện tích năng hơn 1 tỉ USĐ tại Ninh Thuận - Ảnh 2.

Hiện nhiều nhà máy điện tại Ninh Thuận buộc phải giảm phát vì đường dây truyền tải điện đang bị quá tải. (Ảnh: Khải An)

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Sở Công thương Ninh Thuận cho biết, đối với dự án thủy điện tích năng Ninh Sơn, hiện Ban Quản lí dự án điện 3 đang báo cáo EVN để trình bổ sung vào qui hoạch điện VIII tại văn bản số 876/EVNPMB3-TB ngày 01/9/2020.

Theo đó, dự án chỉ được triển khai khi được bổ sung vào qui hoạch phát triển điện lực và qui hoạch đấu nối.

Ngoài ra, đại diện Sở Công thương cho rằng dự án thủy thiện tích năng có nhiệm vụ chính giúp điều độ hệ thống điện quốc gia vận hành ổn định, an toàn, tin cậy; phủ đỉnh biểu đồ phụ tải và góp phần giảm sự chênh lệch biểu đồ phụ tải, việc đầu tư dự án phải đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên. Do đó, Chủ đầu tư cần tính toán kĩ hiệu quả kinh tế của dự án trước khi triển khai.

Đồng thời đề nghị, chủ đầu tư có đề xuất báo cáo dự án cụ thể làm cơ sở để các Sở, ngành, cũng như Sở Công Thương góp ý chính thức bằng văn bản. Đại diện các sở ngành khác cũng cho rằng sẽ có ý kiến cụ thể khi nhận được hồ sơ từ chủ đầu tư.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện Trung Nam chưa xác định cụ thể vị trí đầu tư dự án, chưa có hồ sơ đăng kí đầu tư dự án cụ thể theo qui định của Luật đầu tư, do đó các Sở, ngành và địa phương chưa có cơ sở có ý kiến cụ thể đối với đề xuất của Chủ đầu tư.

Vì vậy, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét ghi nhận đề xuất của Công ty Trung Nam; đề nghị Công ty chủ động phối hợp với Ban Quản dự án điện 3 làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung dự án Nhà máy thủy điện tích năng Ninh Sơn vào qui hoạch điện VIII.

Sau khi dự án được bổ sung vào quy hoạch điện VIII và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh giao các Sở, ngành liên quan rà soát tham mưu UBND tỉnh tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ Qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.