Theo NBS, doanh số bán lẻ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo của các nhà phân tích của hãng tin Bloomberg và tăng so với mức tăng 4,3% trong tháng 10/2020 nhờ đợt nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần.
Tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên của NBS Fu Linghui cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang chứng kiến sự "phục hồi ổn định" sau đại dịch COVID-19, lần đầu tiên xuất hiện ở miền Trung Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Tuy nhiên, ông Fu cảnh báo "với sự bùng phát dịch bệnh trở lại, sự phục hồi kinh tế thế giới đang đối mặt với những khó khăn khi những bất ổn và sự không chắc chắn ngày càng tăng".
Mặc dù tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đã phần lớn được kiểm soát, song hoạt động chi tiêu phục hồi chậm hơn do thế giới vẫn đang vật lộn với tác động của đại dịch, đặc biệt là ngành khách sạn.
Số liệu công bố ngày 15/12 cũng cho thấy tăng trưởng doanh thu lĩnh vực ăn uống đã giảm khoảng 0,6% trong tháng 11/2020 sau khi chuyển biến tích cực lần đầu tiên trong năm nay trong tháng trước đó.
Tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 11/2020 tăng nhẹ lên 7%, cao hơn so với mức 6,9% của tháng trước.
Iris Pang, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc đại lục của ING, cho hay người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu đang "tiếp sức" cho ngành bán lẻ, đặc biệt trong lĩnh vực mỹ phẩm và trang sức, trong khi đó các mặt hàng y tế tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp.
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị, mối quan tâm chính của một lượng lớn sinh viên sắp tốt nghiệp, đã giảm nhẹ xuống 5,2% trong tháng 11/2020, tháng giảm thứ tư liên tiếp.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo con số này có thể cao hơn do số lượng lớn người trong lực lượng lao động không chính thức của Trung Quốc.
Julian Evans - Pritchard, nhà kinh tế cấp cao tại Capital Economics, cho biết tỷ lệ thất nghiệp hiện đã quay trở lại mức trước khi dịch bệnh bùng phát và đang là cơ sở cho tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc.