Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng (Ảnh: Ban Nội chính TƯ). |
Ngày 17/4, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Thường trực Ban Chỉ đạo) tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc trong xác minh, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Theo báo cáo, 3 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được đưa ra xét xử đầu năm 2017 với các mức án nghiêm minh, 2 bị cáo án tử hình, 1 bị cáo tù chung thân (đó vụ Giang Kim Đạt và đồng phạm - PV), 10 bị cáo tù có thời hạn từ 20 tháng đến 24 năm tù.
Vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm xử đầu năm 2017 với 2 án tử hình và một án tù chung thân (Ảnh: Lương Kết) |
Thường trực Ban chỉ đạo đã hoan nghênh các cơ quan tố tụng tích cực điều tra, khởi tố 11 bị can về các tội Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), trong đó riêng Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố về cả 2 tội.
Thường trực Ban chỉ đạo đã yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại PVC, truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án.
Thường trực Ban chỉ đạo cũng đồng ý Kế hoạch kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong năm 2017. Thứ nhất là vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV);
Thứ 2 là vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Thứ 3 là vụ án "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", liên quan đến hành vi của Phạm Thị Trang. Thứ 4 là vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến hành vi của nhóm Hội đồng tín dụng ngân hàng Đại Tín gồm Hoàng Văn Toàn và các thành viên khác.
Vụ thứ 5 là vụ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn.
Thứ 6 là vụ án “Vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam. Thứ 7 là vụ án “Tham ô tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội;
Thứ 8 là vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group). Thứ 9 vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Thứ 10 vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Tây Sài Gòn và Công ty TNHH Đầu tư thương mại giao dịch xuất nhập khẩu Thiện Linh.
Thứ 11 vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh 6 TP.HCM; Thứ 12 là vụ án “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh 7 TP.HCM.
Thường trực Ban chỉ đạo đồng ý Kế hoạch và Quyết định thành lập 8 Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 20 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đắk Nông, Kon Tum, Vĩnh Long, Ninh Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng. |