TS Cấn Văn Lực: Người dân ngại vay mua nhà vì giá quá cao

Giá bán quá cao khiến người dân ngại vay mua nhà, dẫn đến dư nợ cho vay nhà ở chỉ tăng 4,6% trong 9 tháng đầu năm, theo TS Cấn Văn Lực.

Tại diễn đàn thị trường bất động sản do Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội tổ chức ngày 16/11, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đánh giá thị trường bất động sản đang phục hồi nhưng còn chậm, không đồng đều giữa các phân khúc và khu vực. Ba quý đầu năm, tốc độ tăng trưởng ngành kinh doanh bất động sản đạt 2,7%, mặc dù năm 2022 đạt 6,2%. Còn tăng trưởng ngành xây dựng đã cải thiện hơn so với cùng kỳ năm ngoái với mức 7,5%.

Ông Lực cho biết, tính đến hết tháng 9, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản tăng 16%, còn cho vay mua nhà ở chỉ tăng 4,6%. Mặc dù cải thiện 3,5% so với năm ngoái, ông đánh giá mức tăng này vẫn thấp. Diễn biến cho thấy nhu cầu vốn đang tập trung vào phía cung thị trường, tức các nhà phát triển, đầu tư bất động sản. Trong khi đó, người dân ít có nhu cầu vay mua nhà đất.

Chuyên gia cho rằng lãi suất không phải nguyên nhân của tình trạng trên. Bởi thời gian qua, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà xuống mức rất thấp, giảm khoảng 3% so với năm ngoái. Lý do chính là giá nhà vẫn neo ở ngưỡng rất cao, dù nhiều chủ đầu tư tung ra các chính sách kích cầu, ưu đãi thời gian qua. Trong khi công việc, thu nhập của người dân thực tế vẫn rất khó khăn nên họ "ngại phải vay một khoản tiền lớn để có thể sở hữu nhà ở".

"Nguyên nhân chính là người dân thấy giá nhà quá cao nên họ phải chọn cách trì hoãn và chờ đợi thị trường có sản phẩm giá phải chăng", ông Lực cho hay.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, phát biểu tại diễn đàn sáng 16/11. (Ảnh: Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội).

Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng giá nhà đất quá cao cản trở quá trình phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Tại Hà Nội và TP HCM, khoảng 70% nguồn cung mới đưa ra thị trường là sản phẩm cao cấp, siêu sang. Thậm chí những căn nhà hơn 1 triệu USD xuất hiện ngày càng nhiều, trong khi nhà ở bình dân biến mất.

Riêng tại TP HCM, từ năm 2021 đến nay, phân khúc nhà ở dưới 3 tỷ đồng hoàn toàn vắng bóng trên thị trường. Sau ba năm, thành phố cũng chỉ hoàn thành một dự án nhà ở xã hội, trong khi chỉ tiêu đến năm 2025 cần hoàn thành 26.200 căn.

"Nhà cao cấp áp đảo thị trường trong khi sản phẩm bình dân vắng bóng dẫn đến thị trường phát triển thiếu ổn định và bền vững", ông Châu nói.

TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng cho biết thị trường nhà ở leo thang làm khả năng tiếp cận nhà ở của phần đông người dân sụt giảm, nhất là người lao động, thu nhập thấp. Nguyên nhân một phần đến từ tình trạng đầu cơ nhà đất đã đẩy giá lên cao, phát sinh những giao dịch "lướt sóng", thiếu minh bạch. Chưa kể, tình trạng dự án "đắp chiếu" vẫn là thách thức lớn với thị trường, khiến thanh khoản của thị trường và lòng tin của người mua nhà bị giảm sút.

Loạt biệt thự không người ở tại khu đô thị Lideco, huyện Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Chiểu).

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia tiếp tục đề xuất cần thiết áp dụng công cụ thuế bất động sản để hạ nhiệt giá nhà. GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khoá 15, cho rằng phải có chính sách thuế liên quan đến đất và nhà, thậm chí "càng sớm càng tốt". Giải pháp này mang lại lợi ích kép gồm hạn chế tình trạng đầu cơ, đảm bảo cân bằng trên thị trường và thúc đẩy nhu cầu sử dụng thay vì sở hữu nhiều nhà đất rồi bỏ hoang, lãng phí.

Ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng cần thiết xây dựng và áp dụng chính sách thuế bất động sản bởi công cụ này sẽ điều tiết thị trường khi bị đầu cơ sốt nóng hoặc khi khó khăn, đóng băng. Tuy nhiên, ông lưu ý cần có nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu giao dịch và giá bất động sản chính xác, thường xuyên cập nhật, tạo cơ sở áp dụng.

Một thăm dò mới đây của VnExpress với gần 32.000 độc giả cũng cho thấy, gần 70% phản hồi đồng tình với việc đánh thuế bất động sản thứ hai và bỏ hoang.

Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, cho biết Chính phủ đã đề xuất thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại trong 5 năm. Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, nghị quyết thí điểm này sẽ góp phần khơi thông nguồn cung ra thị trường, góp phần hạ nhiệt giá nhà ở.

chọn
Đấu giá đất Thanh Oai giảm nhiệt nhưng giá trúng cao nhất vẫn trên 90 triệu/m2, gấp 17 lần khởi điểm
Phiên đấu giá 25 thửa đất ở huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) vừa ngã ngũ sau 10 vòng đấu giá với thửa đất có giá trúng cao nhất ở mức 11,6 tỷ đồng, gấp hơn 17 lần giá khởi điểm.