TS. Nguyễn Trí Hiếu: Việt Nam không gặp nhiều rủi ro khi Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Việt Nam sẽ không gặp nhiều rủi ro liên quan đến việc Chính phủ Mỹ gắn mác 'thao túng tiền tệ, đặc biệt là trong trường hợp ông Joe Biden trở thành Tổng thống.

Ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ ban hành báo cáo tháng 12/2020 về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ". Trong báo cáo này, Việt Nam (cùng với Thụy Sĩ) được phía Bộ Tài chính Mỹ xác định là "thao túng tiền tệ" theo đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.

Ngay sau thông tin trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông cáo chính thức, khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua - trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Theo quan sát của người viết, việc ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát, đảm bảo nguồn lực dự trữ ngoại hối để giữ ổn định kinh tế vĩ mô là chính sách xuyên suốt của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã buổi trao đổi với Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu xung quanh cáo buộc của Chính phủ Mỹ.

3621_hiYu.jpg

Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu. (Ảnh: BizLive).

- Theo ông, vì sao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia "thao túng tiền tệ"?

- Từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ vào 4 năm trước đây, các chính sách của Chính phủ Mỹ luôn đi theo khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" và chủ trương "Nước Mỹ trước tiên". 

Với khẩu hiệu và chủ trương trên, chính quyền Trump tập trung nhắm vào Trung Quốc với cáo buộc lạm dụng nước Mỹ để làm giàu khi sản xuất các hàng hóa giá rẻ để bán vào Mỹ, khiến các công xưởng trong nước phải đóng cửa, người dân bị mất việc làm.

Để trừng phạt Trung Quốc, chính quyền Trump đã triển khai các biện pháp bao gồm công cụ liệt Trung Quốc và một số nước có quan hệ thương mại lớn với Mỹ vào danh sách các quốc gia "thao túng tiền tệ".

Phía Mỹ đặt ra ba tiêu chí để đưa ra cáo buộc gồm thặng dư thương mại hàng hoá song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương vượt 2% GDP và tổng lượng ngoại tệ mua ròng của ngân hàng trung ương trong 6 tháng vượt trên 2% GDP.

Trong báo cáo mới nhất công bố vào tháng 12, Việt Nam đáp ứng cả ba tiêu chí trên nên bị gắn nhãn "thao túng tiền tệ". Tuy nhiên, mục tiêu chính của công cụ này là nhắm vào Trung Quốc, không phải Việt Nam. Do vậy, đến thời điểm hiện tại Mỹ vẫn chưa đưa ra bất kì biện pháp trừng phạt nào. Và việc Việt Nam nằm trong danh sách này chỉ là do các yếu tố nội tại của nền kinh tế thỏa mãn với các tiêu chí đánh giá.

- Ông đánh giá như thế nào về cáo buộc của phía Mỹ?

- Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ các cáo buộc "thao túng tiền tệ" của Mỹ, đặc biệt là việc sử dụng tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Phía Mỹ cũng đã ghi nhận ý kiến của Việt Nam và thực tế, trong tháng 10, ngoại trưởng Mỹ đã đến thăm Việt Nam.

Trước đó, Mỹ cũng từng dán nhãn Trung Quốc "thao túng tiền tệ" nhưng sau một năm họ đã gỡ bỏ nhằm thương lượng, giải quyết vấn đề chiến tranh thương mại. Như vậy, việc cáo buộc một quốc gia "thao túng tiền tệ" của Mỹ mang tính chất chính trị nhiều hơn là kinh tế.

- Ảnh hưởng của cáo buộc "thao túng tiền tệ" đến Việt Nam là gì, thưa ông?

- Trong thời gian tới, nếu ông Trump tái đắc cử Tổng thống, Chính phủ Mỹ có thể sử dụng cáo buộc này để buộc Việt Nam đưa ra các giải pháp nhượng bộ như tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ và tránh để tiền đồng mất giá so với USD.

Tuy nhiên, viễn cảnh này là khó xảy ra. 

Trong trường hợp đảng Dân chủ lên nắm quyền, thái độ của Chính phủ Mỹ đối với Việt Nam sẽ thay đổi. Mặc dù không rút lại cáo buộc "thao túng tiền tệ" nhưng có thể Chính phủ mới sẽ không đưa ra các biện pháp trừng phạt như tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ.

Theo tôi, nếu ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ, với chính sách ôn hòa của Chính phủ mới, Việt Nam sẽ không gặp nhiều rủi ro liên quan đến việc bị gắn mác "thao túng tiền tệ".

- Việt Nam cần làm gì trước để tháo mác "thao túng tiền tệ"?

- Bên cạnh biện pháp đàm phán, Việt Nam cũng cần thu hẹp thặng dư thương mại với Mỹ thông qua tăng cường mua hàng hóa từ nước này. Đồng thời, Việt Nam cũng nên có những chính sách ưu đãi về ngoại thương và ngoại giao cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Mỹ.

Theo đó, nếu ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ và nước này muốn trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam nên tích cực hoan nghênh động thái này nhằm tăng cường quan hệ chính trị giữa hai nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.