Từ 1/4, TP HCM chính thức thu phí BOT xa lộ Hà Nội

Từ ngày 1/4, chủ đầu tư là CTCP Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) thực hiện thu phí BOT xa lộ Hà Nội thuộc địa bàn TP Thủ Ðức.
Từ 1/4, TP HCM chính thức thu phí BOT xa lộ Hà Nội - Ảnh 1.

BOT xa lộ Hà Nội. (Ảnh: Thời báo Ngân hàng).

Để đưa vào thu phí chính thức trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội, đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã ba Trạm 2 cũ và từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn, chủ đầu tư đã tổ chức vận hành thu phí thử nghiệm (không thu tiền). 

Thời gian áp dụng từ 22 giờ ngày 27/3 đến 22 giờ ngày 30/3. Ngày 1/4, chủ đầu tư sẽ chính thức thu phí. 

Quyết định này được thực hiện theo thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM liên quan đến giá thu phí để hoàn vốn đầu tư dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1. Sau một năm thu phí, nhà đầu tư cần rà soát, cập nhật số liệu xe thực tế để so sánh phương án giá được duyệt và đề xuất điều chỉnh mức thu phù hợp.

Theo Quyết định 922 ngày 18/3 của UBND TP HCM, mức thu phí tại trạm BOT xa lộ Hà Nội áp dụng từ 0 giờ ngày 1/4 đến 31/3/2022 thấp hơn so với đề xuất trước đó. 

Mức thu phí áp dụng cho nhiều nhóm phương tiện, trong đó xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới hai tấn, các loại xe buýt công cộng mức giá là 25.000/lượt; xe tải trên 18 tấn, xe container 40 feet là 140.000 đồng/lượt.

Theo Pháp luật TP HCM, có khoảng 27.385 lượt xe đi qua trạm BOT xa lộ Hà Nội chỉ trong 24 giờ. Hiện tại, giao thông tại trạm BOT ổn định. 

Đến thời điểm hiện tại, ở TP HCM đã có 290.000 xe dán thẻ ETC. Tính tới 12 giờ ngày 30/3 đã dán được 415 thẻ ETC. Lũy kế từ ngày 19/3 đến 12 giờ ngày 30/3 dán được 1.420 thẻ ETC.

Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội dài 15,7 km, khởi công ngày 2/4/2010, đi qua các quận 2, 9, TP Thủ Đức (TP HCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), đoạn từ chân cầu Sài Gòn đến nút giao Tân Vạn.

Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối cửa ngõ phía Đông của TP HCM với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

Tháng 11/2010, dự án BOT được giao cho CII làm chủ đầu tư với số vốn ban đầu là 2.287 tỷ đồng. Đến tháng 7/2018, CII được ký phụ lục hợp đồng với tổng vốn đầu tư dự án sau khi điều chỉnh là 4.905 tỷ đồng.

Đề xuất từ Sở GTVT TP đưa ra các mức cho phép thu phí trạm BOT Xa lộ Hà Nội:

- Ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 30.000 đồng/lượt;

- Ôtô từ 12 - 30 chỗ, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 45.000 đồng/lượt;

- Ôtô từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 60.000 đồng/lượt;

- Xe tải từ 10 - 18 tấn, xe container loại 20 feet là 120.000 đồng/lượt;

- Xe tải trên 18 tấn, xe container loại 40 feet là 170.000 đồng/lượt.

Trường hợp mua vé tháng được giảm 10%.

Bên cạnh đó, miễn phí 11 nhóm xe, trong đó có xe cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát; xe buýt TP HCM tuyến cố định chạy qua trạm; giảm 50% cho ôtô dưới 12 chỗ không kinh doanh, chủ xe có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng ở mặt tiền hai đường song hành xa lộ Hà Nội (quận 2, 9 và TP Thủ Đức). Giá thu sẽ điều chỉnh sau 5 năm hoạt động cho phù hợp.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.