Các cán bộ chấm thi làm việc tại hội đồng chấm thi tỉnh Long An đặt ở Trường THPT Tân An, TP Tân An - Ảnh: SƠN LÂM |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Đình Hoán - quyền trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Thanh Hóa - cho biết sở sử dụng 5 máy quét bài thi trong chấm thi THPT quốc gia 2017.
Tuy nhiên, do số lượng bài thi lớn, lên đến hơn 100.000 bài trắc nghiệm, nên đến ngày 28-6 Sở GD-ĐT Thanh Hóa mới quét được 2/3 tổng số bài thi trắc nghiệm. Với bài thi tự luận ngữ văn, sở đã huy động đến 170 giáo viên tham gia chấm thi, chia làm 4 tổ chấm thi. Việc làm phách cho môn ngữ văn được tiến hành từ ngày 25-6, nhưng do số lượng bài thi lớn nên đến ngày 28-6 mới xong để bắt đầu chấm chính thức.
Trong khi đó, tại Sở GD-ĐT Hòa Bình, với tổng số 43.000 bài thi trắc nghiệm, dự kiến đến ngày 30-6 sở mới gửi dữ liệu quét bài thi gốc về Bộ GD-ĐT, theo đúng quy trình trước khi chấm thi. Theo ông Nguyễn Quang Vinh - trưởng Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Hòa Bình, để chấm hơn 7.500 bài thi tự luận, sở đã huy động hơn 40 giáo viên tham gia.
Còn tại Vĩnh Long, tỉnh có 2 tổ chấm thi trắc nghiệm và tự luận trong đợt thi THPT quốc gia năm nay. Trong đó, môn tự luận - ngữ văn có 111 giáo viên chấm thi, môn trắc nghiệm có 8 cán bộ chấm thi. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Long, việc chấm thi sẽ hoàn tất vào ngày 5-7.
Chiều 28-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết các đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia đã đi kiểm tra công tác chấm thi ở tất cả các vùng miền trên cả nước.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, qua kiểm tra cho thấy các địa phương đều quán triệt, thực hiện đúng theo quy chế trong quá trình chấm thi. Các hội đồng chấm thi đều tiến hành nghiên cứu, thảo luận kỹ về đáp án, biểu điểm và thực hiện nghiêm túc khâu chấm chung ban đầu.
Theo quy định, trước khi chấm thi, các tệp kết quả quét bài thi gốc (kèm theo số báo danh, chưa kiểm dò, chưa sửa chữa, chưa chấm thi) sẽ được ghi vào hai CD giống nhau, dán niêm phong. Một CD chủ tịch hội đồng thi lưu giữ, một gửi về Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có sở GD-ĐT nào gửi dữ liệu bài thi gốc về bộ, nghĩa là chưa có sở nào chính thức chấm bài thi trắc nghiệm.
“Năm 2017, việc công bố kết quả thi THPT quốc gia và kết quả xét tốt nghiệp THPT do các sở GD-ĐT thực hiện. Bộ GD-ĐT quy định lịch công bố kết quả thi chậm nhất là ngày 7-7. Nhưng sở GD-ĐT nào hoàn thành chấm thi trước thời hạn này, sau khi gửi dữ liệu kết quả chấm thi về bộ theo quy định, có thể chủ động công bố kết quả thi trước thời hạn chung” - ông Ga nói.
NGỌC HÀ - HẠNH NGUYỄN