Không "chém" Văn theo cảm tính
Theo các giáo viên chấm thi môn Ngữ văn vào lớp 10 ở Hà Nội, không ít thí sinh mất điểm ở những câu cơ bản, rất đáng tiếc. Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 gồm có nhiều câu hỏi chia ra nhiều ý nhỏ tương ứng với số điểm.
Trong thời gian 120 phút làm bài, điều quan trọng là thí sinh phải biết phân bổ thời gian hợp lý để làm hết đề nhưng cũng đảm bảo yếu tố đọc kỹ đề, gạch nháp để tránh bỏ sót câu, sai, mất điểm ở những câu dễ. Đặc biệt, sau khi cho một đoạn văn, đề có những từ khóa quan trọng yêu cầu học sinh xác định thể loại, dạng bài để làm văn. Tuy nhiên, ở phần này, nếu học sinh vội vàng, không đọc kỹ đề dẫn đến lạc đề, trình bày dài lòng, lan man...không có điểm.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng môn Ngữ Văn Trường THPT Hoài Đức B, huyện Hoài Đức (Hà Nội) nhiều năm đi chấm thi cho biết, nhiều học sinh không nắm kỹ nội dung, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm lẫn tác giả nên "chém" rất hài hước.
Bà Nga ví dụ, học sinh viết văn theo kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia" một cách hài hước như, đề yêu cầu phân tích hình tượng anh Thanh Niên trong tác phẩm truyện ngắn "Lặng lẽ Sa pa" thì học sinh lại nhầm thành anh Thanh Niên trong tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" hay nhân vật trong tác phẩm không hi sinh nhưng học sinh thấy có chiến tranh là viết "các cô đã hi sinh anh dũng"..."Mắc lỗi trên là do không nắm kỹ nội dung tác phẩm, viết văn theo cảm tính, không đọc kỹ đề", bà Nga nói.
Ngoài ra, bà Nga cũng chỉ ra một loạt lỗi học sinh hay gặp phải khi làm bài viết môn Ngữ văn như: không xác định được biện pháp tu từ và tác dụng; không biết cách viết đoạn văn quy nạp, diễn dịch, tổng phân hợp. Nhiều học sinh không đọc kỹ yêu cầu của đề nên làm sai thậm chí bỏ qua cả các ý nhỏ của đề yêu cầu. Bà Nga ví dụ, trong các câu nhỏ đề thường yêu cầu chỉ ra phép nối, phép lặp, đề ngữ, khởi ngữ... nhưng nếu không đọc kỹ và vạch ý ra giấy nháp học sinh mất điểm cao ở những phần này.
Vì thế, đối với môn Ngữ văn, bà Nga lưu ý, ở thời điểm này thí sinh nên ôn lại một lượt chương trình sách giáo khoa để nắm vững nội dung tác phẩm, tóm tắt tác phẩm văn xuôi cũng như nhớ diễn biến cuộc sống nhân vật chính trong tác phẩm. Học kỹ về tác giả, thời gian ra đời tác phẩm. Riêng tác phẩm thơ, học sinh ôn lại mạch cảm xúc xuyên suốt bài thơ, nhớ nội dung của từng khổ thơ cũng như nội dung khái quát toàn bài thơ.
Bên cạnh đó, nắm vững các biện pháp tu từ cơ bản mà tác giả sử dụng trong tác phẩm, liên hệ được nội dung các tác phẩm đã học với đời sống xã hội hiện nay. Bà Nga lưu ý, các vấn đề trong đời sống xã hội như: lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước, đức tính trung thực...Ngoài ra, học sinh lưu ý học kỹ phần lý thuyết đoạn văn diễn dịch, quy nạp, diễn dịch, tổng phân hợp...để không mất điểm ở những câu hỏi nhỏ.
Học sinh giỏi cũng sai câu dễ
Đối với môn Toán, các giáo viên cũng chỉ ra những lỗi học sinh thường mắc phải cơ bản như: đọc không kỹ đề, không vẽ được hình, trình bày vắn tắt, đúng câu khó sai câu dễ... dẫn đến mất điểm đáng tiếc.
Bà Nguyễn Kim Phương, Tổ phó môn Toán, Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội) lưu ý học sinh nắm kỹ các dạng bài. Khi cầm đề thi trên tay nên đọc qua một lượt, sau đó làm từ câu dễ đến câu khó và chú ý đến cách trình bày bài cũng như đọc kỹ đề để xem yêu cầu các bước, tránh sai sót điều kiện đã cho, điều kiện phát sinh. Bà Phương ví dụ, trong đề thi năm trước, nhiều học sinh sai ngay từ câu xác lập phương trình khi quên điều kiện chọn ẩn cũng như đặt điều kiện chưa chặt chẽ.
Ông Lương Ngọc Huy, Tổ trưởng môn Toán, Trường THPT Đồng Quan (Hà Nội), người có nhiều năm kinh nghiệm trong chấm thi lớp 10 cho biết, điều đáng nói là có cả học sinh khá giỏi lại mất điểm ở những câu cơ bản với những lỗi như: quên đặt điều kiện của các ẩn trong bài toán giải phương trình, hệ phương trình; không trình bày đủ các bước để ra kết quả, các tam giác đồng dạng không tương ứng đỉnh... Cũng theo ông Huy, môn Toán không có điểm cho phần viết nắn nót, trình bày đẹp nhưng có điểm cho từng bước giải, vì thế học sinh lưu ý các bước trình bày, không để mất điểm ở phần này.
Từ nay đến kỳ thi không còn nhiều thời gian, học sinh không nên sa đà vào luyện những câu khó thay vào đó nên luyện lại các mẫu đề tương tự để có kỹ năng cũng như sự tự tin. Đối với học sinh trung bình khá, ông Huy khuyên nên dành nhiều thời gian cho câu 1 đến 6 để lấy chắc 7 điểm, sau khi làm nên soát lại một lần nữa thay vì nôn nóng để làm các câu hỏi khó vì những câu này có dành nhiều thời gian làm cũng chưa chắc có điểm.
Riêng học sinh giỏi, nên dành một nửa thời gian làm câu cơ bản để lấy 7 điểm và dành nửa thời gian còn lại để làm các câu phân loại. "Các câu phân loại thường rất khó và điểm phân bổ cho câu khó nhất không cao vì thế học sinh trung bình, khá nếu chăm chăm dành nhiều thời gian vào giải những câu này chưa chắc đã đúng để đạt điểm trong khi lại mất điểm ở câu dễ là sai lầm đáng tiếc nhất", ông Huy nói.
Khi bước vào phòng thi, thí sinh giữ tinh thần lạc quan, mang máy tính tốt, bút một màu, compa, thước kẻ...
Ngày 7/6, gần 95.000 học sinh lớp 9 tại Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển vào lớp 10 đầy căng thẳng. Năm nay, toàn thành phố có 104.000 học sinh tốt nghiệp THCS (tăng 22.000 em so với năm trước) nhưng chỉ có gần 95.000 em dự thi vào lớp 10 (giảm gần 10.000 em) trong khi chỉ tiêu tuyển sinh năm nay toàn thành phố tăng gần 13.000 em so với năm 2017-2018. Như vậy, có thể nói, kỳ thi vào lớp 10 năm nay đến phút chót mức độ căng thẳng đã được hạ nhiệt một phần. |
Lịch thi chi tiết kì thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2018
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có thông báo lịch thi chi tiết vào lớp 10 năm học 2018 - 2019 với cả khối trường công ... |
Tuyển sinh lớp 10 Hà Nội: Thu thẻ dự thi trong ngày 6/6 để tránh thí sinh bị quên thẻ
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, giám thị sẽ thu lại thẻ dự thi của thí sinh sau khi phổ biến quy chế thi ... |