- Trọng tâm kiến thức tập trung ở chương trình Ngữ văn 9. Tuy nhiên, học sinh cũng cần củng cố lại kiến thức ở các lớp dưới. Chú ý nội dung quan trọng: Phương thức biểu đạt, các biện pháp tu từ, từ vựng.
- Đề Đọc – Hiểu là phần 1, thường có 4 câu hỏi nhỏ. Học sinh cần tránh làm rời rạc các câu này. (Ví dụ: Đầu bài làm 3 câu nhỏ, tiếp theo làm câu 2, sau câu 2 lại làm 1 câu hỏi nhỏ của phần đọc hiểu, rồi làm câu 3), điều này gây khó khăn cho giám khảo khi chấm bài và có thể chấm sót.
- Bài làm cần được trình bày thành một câu hoàn chỉnh, có đủ chủ ngữ, vị ngữ. Tránh làm vắn tắt, chỉ đơn thuần viết đáp án; tránh sử dụng các kí hiệu (dấu cộng, dấu bằng, mũi tên…).
Ví dụ: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên.
- Phương thức biểu đạt của văn bản trên là phương thức nghị luận. (nên)
- Nghị luận (không nên)
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận (không nên)
- Học sinh cần đọc câu hỏi trước, đọc ngữ liệu sau để tiết kiệm thời gian. Nhiều bạn học sinh thường đọc ngữ liệu trước, đọc câu hỏi sau rồi phải đọc lại ngữ liệu để trả lời câu hỏi. Các em nên đọc câu hỏi trước, khi đọc ngữ liệu, các em dùng bút gạch chân, ghi chú những chi tiết phục vụ cho việc trả lời câu hỏi.
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên bộ môn Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1). (Ảnh: NVCC)
1. Phương thức biểu đạt
- Học sinh cần phân biệt 2 thuật ngữ sau: Phương thức biểu đạt, thể loại.
+ Các phương thức biểu đạt bao gồm: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính công vụ.
- Các thể loại chủ yếu: Truyện, thơ, kịch, kí.
- Chú ý các dạng câu hỏi sau:
+ Xác định phương thức biểu đạt (chỉ cần 1 đáp án)
+ Xác định phương thức biểu đạt chính (chỉ cần 1 đáp án)
+ Xác định các phương thức biểu đạt
=> Cần nhiều hơn 1 đáp án
=> Trình bày phương thức biểu đạt chính trước, phương thức biểu đạt phụ sau.
=> Ví dụ: Tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm (tự sự là phương thức chính, miêu tả, biểu cảm là phương thức phụ).
2. Thể loại
- Các thể loại chủ yếu là: Truyện, thơ, kịch, kí.
- Học sinh cần nắm chắc thể loại của các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9. Đặc biệt chú ý thể loại của các tác phẩm văn học trung đại:
+ "Chuyện người con gái Nam Xương" (Nguyễn Dữ) là truyện truyền kì.
+ "Hoàng Lê nhất thống chí" (Ngô gia văn phái) là tiểu thuyết lịch sử.
+ "Truyện Kiều" (Nguyễn Du) và "Truyện Lục Vân Tiên" (Nguyễn Đình Chiểu) là truyện Nôm (truyện thơ Nôm)…
- Có thể xác định thể thơ bằng cách đếm số chữ, số dòng (thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, thơ bốn chữ, thơ tám chữ, thơ tự do…)
3. Chủ đề của văn bản/đoạn trích
Xác định nội dung chính của văn bản/đoạn trích
- Để làm dạng bài này, học sinh cần đọc ngữ liệu thật cẩn thận. Xác định nội dung khái quát, bao trùm văn bản/đoạn trích. Để làm được điều đó, học sinh có thể vận dụng một số thao tác sau:
+ Lưu ý các từ ngữ được lặp đi lặp lại trong văn bản/đoạn trích.
+ Dựa vào câu chủ đề của văn bản/đoạn trích.
+ Trả lời câu hỏi: Văn bản/đoạn trích này viết về cái gì?
- Nội dung chính của văn bản cần được trình bày rõ ràng, ngắn gọn, tránh viết lan man, dài dòng. Câu trả lời chỉ nên trình bày trong 1 đến 2 câu văn, tránh viết một đoạn văn để nói về chủ đề của văn bản/đoạn trích.
Xác định câu chủ đề của văn bản/đoạn trích
- Không nên hiểu nhầm câu chủ đề nhất định phải là câu đầu tiên hoặc câu cuối cùng của văn bản/đoạn trích. Câu chủ đề thường nằm ở phần đầu của văn bản/đoạn trích. Trong thực tế, đôi khi câu chủ đề được viết sau một vài câu dẫn dắt trước đó.
- Khi trình bày câu trả lời của mình, học sinh cần chép lại nguyên văn câu chủ đề mà mình đã xác định trong dấu ngoặc kép.
Đặt nhan đề cho văn bản/đoạn trích
- Nhan đề cần nêu khát quát nội dung mà văn bản/đoạn trích đề cập đến.
- Có thể đặt nhan đề dựa vào một chi tiết tiêu biểu trong văn bản/đoạn trích hoặc dựa vào ý nghĩa, thông điệp của văn bản/đoạn trích đó.
- Nhan đề cần được trình bày trong dấu ngoặc kép, tránh đặt nhan đề quá dài dòng.
4. Các phép liên kết hình thức
- Liên kết hình thức là một nội dung thường ra trong đề thi của nhiều địa phương. Đây là một nội dung đặc biệt quan trọng, học sinh cần chú ý và thường xuyên rèn luyện.
- Đề bài thường yêu cầu xác định phép liên kết được sử dụng trong ngữ liệu. Để làm dạng bài này, chúng ta cần tìm các phép liên kết hình thức theo thứ tự ưu tiên từ dễ đến khó: Phép lặp từ ngữ => phép nối => phép thế => phép đồng nghĩa, trái nghĩa => phép liên tưởng.
- Trong câu trả lời của mình, các em cần trình bày đầy đủ các nội dung sau:
+ Câu nào liên kết với câu nào?
+ Tên phép liên kết,
+ Phương tiên liên kết (từ ngữ có tác dụng liên kết).
Ví dụ: Xác định một phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn sau:
"Thật ra, thời gian không phải là một mà là hai: đó vừa là một định luật tự nhiên, khách quan, bao trùm thế giới, vừa là một khái niệm chủ quan của con người đơn độc. Bởi vì chỉ có con người mới có ý thức về thời gian. Con người là sinh vật duy nhất biết rằng mình sẽ chết, và biết rằng thời gian là liên tục".
("Thời gian là gì?", trong tạp chí "Tia sáng")
Câu "Bởi vì chỉ có con người mới có ý thức về thời gian." liên kết với câu "Con người là sinh vật duy nhất biết rằng mình sẽ chết, và biết rằng thời gian là liên tục." bằng phép lặp từ ngữ (lặp từ "con người").
Thầy Võ Kim Bảo chia sẻ một số lưu ý khi làm các dạng bài Đọc - Hiểu trong bài thi lớp 10. (Ảnh: NVCC)
5. Các biện pháp tu từ từ vựng
- Dạng bài này luôn có 2 yêu cầu:
+ Xác định biện pháp tu từ.
+ Cho biết tác dụng/ý nghĩa/hiệu quả của biện pháp.
- Nếu đề bài chỉ yêu cầu xác định biện pháp tu từ, học sinh cũng nên làm đủ cả 2 yêu cầu trên.
- Để làm tốt dạng bài này, học sinh cần đảm bảo các nội dung sau:
+ (1) Nêu tên biên pháp.
+ (2) Nêu chi tiết chứa biện pháp đó (đặt trong dấu ngoặc kép).
+ (3) Nêu chức năng cơ bản của biện pháp (ghi nhớ SGK).
+ (4) Nêu ý nghĩa của biện pháp đó trong bài.
Ví dụ: Xác định biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…"
(Trích "Viếng lăng Bác", Viễn Phương)
+ (1) Biện pháp ẩn dụ.
+ (2) Chi tiết "mặt trời trong lăng rất đỏ".
+ (3) Chức năng cơ bản của biện pháp ẩn dụ: làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
+ (4) Ý nghĩa: Ca ngợi sự lớn lao, vĩ đại của Bác Hồ; bất tử hóa hình ảnh Bác trong lòng dân tộc.
Viết câu trả lời hoàn chỉnh: Trong đoạn thơ trên, nhà thơ Viễn Phương đã sự dụng biện pháp ẩn dụ ở chi tiết "mặt trời trong lăng rất đỏ" nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Nhà thơ ca ngợi sự lớn lao, vĩ đại của Bác Hồ đồng thời bất tử hóa hình ảnh Bác trong lòng dân tộc.
6. Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ, quan điểm cá nhân
Dạng đề này không câu cầu cao, học sinh không cần phải viết thật hay, thật xúc động mới đạt điểm tối đa (thường là 1.0 điểm). Để làm tốt dạng bài này, học sinh cần lưu ý những điểm sau:
- Giám khảo sẽ cho điểm dựa vào 2 nội dung cơ bản: Kĩ năng viết đoạn văn và nhận thức của học sinh về vấn đề mà đề bài đưa ra.
- Khi viết đoạn, học sinh thường không đặt câu chủ đề, bài làm không rõ trong tâm. Cách đơn giản nhất là học sinh viết câu chủ đề ở đầu đoạn. Câu chủ đề chính là câu trả lời cho câu hỏi ở đề bài. Các câu sau triển khai các ý nhỏ để làm rõ chủ đề.
- Cần đặc biệt lưu ý giới hạn của đoạn văn: Dòng hoặc câu. Một câu có thể viết thành nhiều dòng. Học sinh không đảm bảo đúng số dòng, số câu qui định có thể bị trừ điểm.
7. Một số lưu ý khi làm bài tập Tiếng Việt 9
Các phương châm hội thoại
Dạng bài này không khó nhưng học sinh thường quên ôn tập phần "Các trường hợp vi phạm phương châm hội thoại". Đề bài ngoài việc yêu cầu học sinh xác định phương châm hội thoại bị vi phạm còn có thể yêu cầu giải thích vì sao lại có sự vi phạm đó. Các em nên ôn tập thật kĩ phần này để có thể giải thích nguyên nhân vi phạm phương châm hội thoại.
Cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp
Học sinh lưu ý 2 dạng bài sau:
- Dạng 1: Xác định lời dẫn trực tiếp.
+ Bài làm cần chép lại lời dẫn trực tiếp có trong văn bản.
+ Cần phân biệt lời dẫn và lời kể. Câu trả lời chỉ ghi lại lời dẫn (thường là phần nằm trong dấu ngoặc kép), không nên ghi lại lời kể.
- Dạng 2: Chuyển lời dẫn trực tiếp thành lời dẫn gián tiếp cần lưu ý các thao tác sau:
+ Bỏ dấu ngoặc kép, dấu hai chấm, dấu gạch ngang đầu dòng.
+ Nối lời dẫn và lời kể bằng từ "rằng" hoặc từ "là"
+ Xác định từ chỉ người cần thay đổi.
+ Xác định từ chỉ thời gian, nơi chốn cần thay đổi.
Ví dụ: Chuyển lời dẫn trực tiếp dưới đây thành lời dẫn gián tiếp.
"Hôm sau, Linh Phi lấy môt cái túi bằng lụa tía, đựng mười hạt minh châu, sai sứ giả Xích Hỗn đưa Phan ra khỏi nước. Vũ Nương nhân đó cũng đưa gửi một chiếc hoa vàng mà dặn:
- Nhờ nói hộ với chàng Trương, nếu còn nhớ chút tình xưa nghĩa cũ, thì xin lập một đàn giải oan ở bến sông, đốt cây đèn thần chiếu xuống nước, tôi sẽ trở về."
(Trích "Chuyện người con gái Nam Xương", Nguyễn Dữ)
Câu trả lời:
Vũ Nương nhân đó cũng đưa gửi một chiếc hoa vàng mà dặn Phan Lang rằng nói hộ với chàng Trương, nếu chàng Trương còn nhớ chút tình xưa nghĩa cũ, thì xin lập một đàn giải oan ở bến sông, đốt cây đèn thần chiếu xuống nước, nàng sẽ trở về.
Giáo dục 15:26 | 16/06/2019
Giáo dục 07:18 | 14/06/2019
Giáo dục 21:00 | 31/05/2019
Giáo dục 14:42 | 27/05/2019
Giáo dục 14:00 | 27/05/2019
Giáo dục 12:15 | 27/05/2019
Giáo dục 12:01 | 27/05/2019
Giáo dục 17:28 | 26/05/2019