Cô gái trở thành "nạn nhân" của tục cướp vợ ở Kyrgyzstan. Ảnh: Getty |
Gulzat Akmatbekova, 36 tuổi, sống ở vùng Naryn của Kyrgyzstan. Cô gái tiết lộ mẹ, chị gái và bạn thân nhất của mình đều bị ép lấy chồng, sau khi trở thành nạn nhân của hủ tục bắt cóc để kết hôn, hay còn gọi là "cướp vợ".
Mẹ cô Gulzat bị chính cha cô bị bắt cóc sau một lần đi xem phim cùng những người bạn. Cô gái 18 tuổi khi đó bị đưa tới nhà người đàn ông mình không có tình cảm và bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc hôn nhân trái ý muốn.
"Mẹ tôi kể rằng bà đã khóc rất nhiều vì không muốn kết hôn với cha tôi. Lúc đó, bà đã có người yêu, nhưng không thành đôi vì đã bị bắt cóc làm cô dâu", cô kể lại.
Ở gia đình nhà chồng, họ hàng luôn miệng nói với bà rằng kết hôn với người đàn ông này là số phận của bà, và nếu rời đi, cuộc đời bà sẽ đầy những nỗi bất hạnh. Sống trong cảnh kìm hãm, bà nhiều lần định bỏ đi, nhưng mọi cô gái Kyrgyzstan đều phải tuân theo một quy định bất thành văn, đó là luôn tôn trọng và nghe lời người lớn.
Chính vì lý do đó, bà nhẫn nhịn ở lại. Cuộc sống êm đềm hàng ngày vẫn trôi qua, nhưng đó chưa bao giờ là cuộc sống và cuộc hôn nhân mà bà mong muốn.
Tình cảnh đó một lần nữa lặp lại với chị gái Gulzat. Dù đã có bạn trai, cô gái vẫn là đối tượng trong tầm ngắm của người đàn ông lớn hơn 7 tuổi. Một ngày nọ, ông quyết định bắt cóc cô bằng cách ném cô lên xe và đưa cô tới một thành phố khác.
Cho tới lúc đó, gia đình Gulzat mới hay tin sắp kết hôn. Cha mẹ Gulzat đã chấp nhận chàng rể mới vì cả hai bên đều biết nhau, và cũng một phần vì những món quà biếu đáp như cừu, trái cây và bánh kẹo.
Nhưng trái với mẹ, cô gái đã dũng cảm ly hôn sau 10 năm chung sống thay vì chịu đựng cuộc hôn nhân này. Vì khác biệt tính cách, họ thường xuyên tranh cãi và xung đột.
Bạn thân của Gulzat cũng là nạn nhân của hủ tục. Cô bị chính người mà mình coi là bạn bè bắt cóc, theo Daily Mail.
Tục cướp dâu được cho là vẫn tồn tại ở các vùng nông thôn của Trung Á và một số quốc gia khác như Nam Phi, Armenia, Ethiopia và Kazakhstan. Tập tục này còn có tên gọi là "ala kachuu", có nghĩa là "cướp và bỏ trốn".
Thông thường, một người đàn ông sẽ bắt cô gái về nhà rồi ép cô kết hôn bằng cách viết giấy chứng nhận và quàng "khăn cưới" lên đầu. Gia đình chú rể cũng thường tham gia kế hoạch bắt cóc cô dâu.
Tại nhà chồng, họ sẽ được thuyết phục cho đến khi đồng ý. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, trong một số trường hợp, chú rể còn hãm hiếp cô dâu, khiến cô xấu hổ không dám về nhà. Sau khi bị bắt cóc, họ sẽ không còn được coi là trinh nữ.
Việc cướp dâu có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, từ trên đường phố, trường học của các cô gái, đến nơi làm việc và thậm chí là ngay tại nhà. Sẽ không có ai đoái hoài đến sự kháng cự của cô dâu, bởi họ coi đó là lẽ thường tình.
Reuters dẫn nghiên cứu trên tạp chí Demography cho thấy, khoảng 1/5 phụ nữ và trẻ em gái ở đất nước Trung Á bị bắt cóc để kết hôn. Đối tượng bị bắt cóc làm vợ chủ yếu là các cô gái dưới 18 tuổi.
Phụ nữ không chỉ là nạn nhân của hủ tục bạo tàn, mà những đứa trẻ được sinh ra từ cô dâu bắt cóc cũng có thể bị ảnh hưởng về mặt thể chất.
Các cuộc hôn nhân ràng buộc từ tục cướp vợ cũng không êm đẹp. Theo nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Open Line, khoảng 60% cuộc hôn nhân kết thúc bằng tờ giấy ly hôn.
"Cướp dâu phổ biến ở các vùng nông thôn, nhưng vẫn diễn ra trên khắp cả nước. Một số phụ nữ trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực", Gulzat. "Thật may mắn khi tôi đã thoát khỏi tình cảnh đó. Tôi đã kết hôn, dựa trên tình yêu thực sự".
Tục cướp vợ được cho là có từ thế kỷ 19 và trở nên phổ biến vào giai đoạn 1940-1050. Tuy nhiên, Gulzat khẳng định đây không phải truyền thống của quê hương họ như mọi người vẫn nghĩ.
Trước đây, các cặp đôi từng coi đây là cách để có thể đến với nhau khi không được cha mẹ đồng thuận. Tuy nhiên về sau, tục lệ này bị "biến tướng". Cánh đàn ông nhầm lẫn ý nghĩa của nó và đẩy phụ nữ vào vòng nguy hiểm bằng cách bắt cóc, ép lấy làm vợ.
Tục lệ cưới hỏi quái đản có thể bạn không bao giờ tin | |
Lạ lùng hủ tục kinh nguyệt khiến nhiều cô gái trẻ chết oan |