Tờ mờ sáng, hàng chục chiếc xe bus dừng lại tại một tòa nhà thấp tịt ở phía nam bang Andhra Pradesh, Ấn Độ. Những người phụ nữ mặc bộ váy truyền thống shalwar kamez đi xuống, mỗi bước đi của họ lại làm cái khăn dupatta cuộn lên. Họ đi qua hàng khẩu hiệu dán trên tường: Mục tiêu hàng đầu là không có tai nạn.
Đấy là một buổi sáng bình thường tại nhà máy của Foxconn Technology Group ở Sri City, khi công nhân ca đêm và ca sáng đang đổi chỗ cho nhau. Jennifer Jayadas, 21 tuổi với vóc dáng cao, gầy là một trong những công nhân ca sáng. Cô vừa rời khỏi căn nhà cách đó vài km, vốn chẳng có nước sinh hoạt.
Nữ công nhân hối hả đi vào nhà máy để bắt đầu ca làm việc từ 6h sáng.
Nuốt vội bữa sáng với bánh chapati và cà-ri đậu, Jayadas nhanh chóng mặc bộ đồng phục lao động và bước vào ô làm việc của mình. Cô sẽ dành 8 tiếng tiếp theo để đảm bảo nút âm lượng, bộ rung và những chức năng khác hoạt động bình thường.
"Trước kia smartphone toàn làm ở Trung Quốc. Giờ thì chúng tôi làm ngay tại đây", Jayadas cho biết.
Foxconn, còn được biết đến với tên Hon Hai Precision Industry, mở nhà máy đầu tiên ở Ấn Độ 4 năm trước. Giờ đây họ có 2 nhà máy sắp mở rộng, đồng thời sẽ mở thêm 2 nhà máy nữa. Ấn Độ là căn cứ quan trọng để công ty này chuyển dần hoạt động từ Trung Quốc.
Thành công ở Ấn Độ càng trở nên cấp thiết hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại vào năm 2018, tuyên bố đánh thuế với hàng nghìn sản phẩm từ Trung Quốc. Trong số này, có rất nhiều sản phẩm của đối tác Foxconn như Apple, Amazon.
CEO Tim Cook từng nhiều lần tiếp xúc với Thủ tướng Ấn Độ về việc sản xuất iPhone tại nước này.
"Chiến lược kinh doanh tốt là không bỏ trứng vào cùng một giỏ".
Josh Foulger, Giám đốc Foxconn Ấn Độ.
"Chiến lược kinh doanh tốt là không bỏ trứng vào cùng một giỏ. Chúng ta phải tìm kiếm những lựa chọn thay thế khả thi và tin cậy. Rõ ràng những địa điểm thay thế cũng phải có tính cạnh tranh cao. Không thể xây một nhà máy lắp ráp điện thoại tại Mexico. Nếu là 10 năm trước thì may ra, nhưng giờ thì chắc chắn là không", Josh Foulger, Giám đốc Foxconn Ấn Độ chia sẻ.
Foulger, 48 tuổi, lớn lên ở Chennai và theo học Đại học Texas, trước khi trở về Ấn Độ để thiết lập nhà máy cho Nokia. Ông gia nhập Foxconn bốn năm trước để giúp nhà sáng lập Terry Gou thành lập các nhà máy lắp ráp tại Ấn Độ, hiện là thị trường điện thoại thông minh phát triển nhanh nhất thế giới.
Josh Foulger, Giám đốc Foxconn Ấn Độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong giấc mơ thành công xưởng điện thoại thế giới thay thế Trung Quốc.
Nhà máy đầu tiên của Foxconn ở Ấn Độ được mở năm 2015 ở vùng kinh tế đặc biệt, với ưu đãi về thuế. Nhà máy này giờ có gần 15.000 công nhân, trong đó tới 90% là nữ, và lắp ráp đủ loại điện thoại cho các công ty. Xiaomi, thương hiệu điện thoại số 1 tại Ấn Độ và iPhone X của Apple đều được lắp ráp tại đây. Nhà máy thứ 2 hiện có 12.000 công nhân và nhiều dây chuyền tự động.
Foxconn hiện vẫn phải nhập linh kiện từ Trung Quốc, nhưng họ đang nhắm tới sản xuất màn hình và mạch in trong nước. Mục tiêu của Foulger là sản xuất được 1/3 thị phần di động trong nước và 10% quốc tế. Foxconn rồi sẽ có thêm nhiều sản phẩm khác như loa thông minh Amazon Echo.
"Trước đây, Ấn Độ chỉ sản xuất cho Ấn Độ thôi. Sẽ sớm tới ngày Ấn Độ sản xuất cho cả thế giới", vị giám đốc chia sẻ.
Chi phí nhân công Ấn Độ hiện tại chỉ bằng khoảng một nửa Trung Quốc. Họ cũng có nguồn nhân lực dồi dào, nhiều kỹ sư giỏi, và chính sách hỗ trợ từ chính phủ.
Foxconn nhận được sự ủng hộ từ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, khi ông Modi muốn giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống. Chính sách "Make in India" triển khai 4 năm qua đã thúc đẩy đất nước này trở thành một thế lực trong ngành sản xuất.
"Kế hoạch của Ấn Độ là tăng trưởng ngành sản xuất điện thoại từ 25 tỉ USD lên 400 tỉ USD vào năm 2024. Phần lớn sẽ được xuất khẩu", ông Pankaj Mahindroo, Chủ tịch hiệp hội viễn thông, điện tử Ấn Độ chia sẻ.
Ấn Độ có thể tăng khả năng sản xuất và giúp thế giới bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.
Anshul Gupta, Giám đốc nghiên cứu tại Gartner Ấn Độ.
Vẫn còn rất nhiều thách thức để hoàn thành mục tiêu này. Mới chỉ có 700.000 công nhân có việc làm trong ngành sản xuất điện tử, nhân công tay nghề cao rất thiếu. Những nhà cung cấp phụ trợ như pin, bán dẫn hay vi xử lý cũng không có nhiều.
"Ấn Độ chưa đạt được mức độ mong muốn. Tuy nhiên mọi chuyện vẫn đang tốt lên. Ấn Độ có thể tăng khả năng sản xuất và giúp thế giới bớt phụ thuộc vào Trung Quốc", ông Anshul Gupta, Giám đốc nghiên cứu tại Gartner Ấn Độ nhận xét.
Foxconn từng đóng vai trò rất lớn trong quá trình chuyển đổi thành "công xưởng thế giới" của Trung Quốc. Chủ tịch Foxconn Terry Gou thuyết phục ông Modi là Ấn Độ cũng có thể làm được như vậy. Tuy nhiên, Trung Quốc phải mất 30 năm mới được như hôm nay.
"Ấn Độ không những phải cố gắng mà còn phải làm tốt hơn Trung Quốc, và chiến tranh thương mại sẽ chỉ giúp một chút thôi".
Andrew Polk, nhà nghiên cứu tại Trivium China.
"Lợi thế của Trung Quốc là họ có quá nhiều lao động giúp sản xuất rẻ hơn, và họ đầu tư rất mạnh vào logistic và vận tải. Dù lợi thế về chi phí nhân công đang mất đi, họ vẫn có những quy trình và hệ thống được đầu tư để có thể mở rộng sản xuất dễ dàng và đưa hàng hóa vào lưu thông", Andrew Polk, nhà nghiên cứu tại Trivium China nhận xét.
Để bắt kịp, chính phủ Ấn Độ và các công ty sẽ phải đầu tư rất nhiều vào hệ thống đường, cảng và các hạ tầng khác.
"Khi Trung Quốc làm trong quá khứ, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn phân tán và chẳng có Trung Quốc nào trước đó. Ấn Độ không những phải cố gắng mà còn phải làm tốt hơn Trung Quốc, và chiến tranh thương mại sẽ chỉ giúp một chút thôi", ông Polk chia sẻ.
Là một nhân vật kì cựu suốt hai thập kỷ qua trong lĩnh vực chuỗi cung ứng ở Ấn Độ và các nơi khác, Foulger hiểu sâu sắc về những thách thức.
"Tôi sẽ tự lừa mình nếu nói Ấn Độ có thể trở thành sao chép Trung Quốc. Thực tế là chúng tôi còn nhiều hạn chế”.
Trong khi chính phủ tiểu bang cấp đất, nguồn nước và điện thì Foxconn, Dell, Flextronics và các công ty khác cùng nhau xây dựng khu công nghiệp cho các nhà máy của họ. Mặc dù vậy, Foulger vẫn phải vận chuyển nước từ nơi khác đến cho cho hàng nghìn công nhân của mình, vì thành phố Chennai và các khu vực lân cận bị thiếu nước nghiêm trọng.
Foulger từ đầu đã quyết định tuyển dụng chủ yếu là phụ nữ. Nữ công nhân là chuyện thường ở Trung Quốc, nhưng rất hiếm ở Ấn Độ, nơi phụ nữ nông thôn thường được giao cho các công việc gia đình hoặc trang trại không được trả lương. Phụ nữ ở khu vực này thậm chí không được phép làm việc vào ban đêm trong các nhà máy cho đến khi chính quyền địa phương và tòa án can thiệp bốn năm trước.
Mẹ của Foulger, một giáo viên chính là người đã có ý tưởng và thuyết phục ông cho phụ nữ cơ hội. Vì hầu hết nhà sản xuất Ấn Độ thích thuê đàn ông, nên việc tuyển công nhân nữ của ông dễ hơn bao giờ hết. Bù lại, ông phải học cách cung cấp những tiện nghi nhỏ dành cho phụ nữ.
Lương cao, nhưng nhiều công nhân chỉ coi đây là công việc tạm thời vì thời gian làm việc dài và nhàm chán.
"Đầu tiên, phải sửa nhà đã. Sau đó, tôi muốn tiết kiệm tiền để học một khóa về thẩm mỹ"
Jennifer Jayadas, công nhân tại nhà máy Foxconn ở Sri City, Ấn Độ nói về mục tiêu khi làm tại đây.
Dù vậy, ông cho rằng tất cả các chi phí tăng thêm đều rất xứng đáng bởi phụ nữ làm việc chăm chỉ và có thái độ nghiệm túc với những cơ hội họ nhận được.
Trái với những nhà máy ở Trung Quốc, từ lâu bị chỉ trích vì điều kiện làm việc căng thẳng, các công nhân tại nhà máy Foxconn không có dấu hiệu rõ ràng về tình trạng bóc lột sức lao động. Công nhân ở đây chủ yếu phàn nàn về sự đơn điệu.
Từ giây phút họ bước vào cánh cửa nơi làm việc đến hết ca làm việc kéo dài tám tiếng, tất cả công việc đều lặp đi lặp lại trong một chu kỳ không ngừng. Mục tiêu sản xuất hàng ngày phải được đáp ứng bằng mọi giá. Hàng công nhân nối từng bộ phận điện thoại lại với nhau, kiểm tra từng chiếc điện thoại xem có khuyết điểm rõ ràng không.
Không phải điều kiện làm việc, sự nhàm chán mới là thứ mà các công nhân phàn nàn nhiều nhất.
Shivaparvati Kallivettu, 24 tuổi, với công việc thử nghiệm âm thanh, kiểm tra pin và khay thẻ SIM, chia sẻ rằng thời gian nghỉ ngơi chính của cô là vào mỗi buổi sáng trong căng tin của nhà máy khi cô ăn sáng với bốn người bạn thân.
Hầu hết phụ nữ nhận việc với mục tiêu cụ thể trong đầu, chẳng hạn như gửi con đến những trường tốt hơn hoặc xóa nợ cho gia đình. Mức lương ở đây giúp họ vượt qua ngưỡng nghèo. Jayadas nhận được khoảng 9.000 rupee mỗi tháng (130 USD, bằng khoảng một phần ba mức lương trung bình của nhà máy Trung Quốc), đi xe buýt miễn phí và hai bữa ăn lành mạnh.
Để tránh tẻ nhạt, công ty dạy cho công nhân ít nhất 10 kỹ năng trong các phân đoạn kiểm tra, đóng gói và lắp ráp của dây chuyền để họ có thể được luân chuyển sang các công việc khác nhau. Tuy vậy, phần lớn vẫn coi đây là công việc tạm thời.
Gần đây, 400 phụ nữ không có mặt khi đến ca làm việc. Các quản lý phát hiện ra tất cả đều tham gia kỳ thi tuyển dụng giáo viên của chính phủ, một công việc có thu nhập chỉ bằng một phần ba số tiền tại Foxconn mà lại không có những tiện nghi như vậy.
"Đầu tiên, phải sửa nhà đã", Jennifer Jayadas chia sẻ.
Sau ca làm việc, Jayadas lên xe buýt, về đến nhà trước 4h chiều. Cô nấu ăn, rồi ra đường lấy 12 thùng nước từ vòi để đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày của gia đình. Thu nhập của cha cô ít ỏi và không ổn định từ việc sửa chữa radio và đầu DVD, nên toàn bộ tiền lương của cô đều đưa cho cha mẹ.
“Đầu tiên, phải sửa nhà đã”, Jayadas nói, chỉ về phía mái nhà mỏng manh và những bức tường bị hư hỏng. "Sau đó, tôi muốn tiết kiệm tiền để học một khóa về thẩm mĩ”.