Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đã chỉ ra những rủi ro, bất cập cần khắc phục với tín dụng bất động sản, theo báo Chính phủ.
Thông tin về tình hình cấp tín dụng bất động sản, bà Giang cho biết, tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với 2021.
Năm 2022, bất động sản là một trong những lĩnh vực có dư nợ tín dụng tăng trưởng cao nhất, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ của nền kinh tế. 21,1% cũng là mức tỷ trọng cao nhất trong 5 năm qua của lĩnh vực này.
Theo thống kê, dư nợ tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng, chiếm tỷ trọng 68%. Còn lại là dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản với tỷ trọng 32%. Tuy nhiên, bà Hà Thu Giang nhận định, mặc dù mục đích theo thống kê là hướng tới nhu cầu thực, song cũng tiềm ẩn rủi ro khách hàng kê khai mục đích để phục vụ nhu cầu mua nhà để ở nhưng bản chất là để đầu tư kinh doanh.
Về chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng nhích dần lên. Tỷ lệ này năm 2022 là 1,81%, năm 2021 là 1,67%.
Về cơ cấu kỳ hạn dư nợ, nhu cầu tín dụng bất động sản thường có thời hạn trung và dài hạn, hiện nay khoảng 94% dư nợ có thời gian từ 10 - 25 năm. Trong khi đó nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn (chiếm tỷ lệ 80%), với mức lãi suất thay đổi theo thị trường. Do đó, nếu các tổ chức tín dụng không cân đối được kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp, có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản.
Bên cạnh đó, có hiện tượng tập trung cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tại một số tổ chức tín dụng, với tốc độ tăng trưởng cao. Một số tổ chức tín dụng cũng cấp tín dụng lớn với một số nhóm khách hàng, với khách hàng đầu tư dàn trải, có nhiều dự án dở dang.
Bà Hà Thu Giang cho biết, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng bất động sản phù hợp, nâng cao chất lượng tín dụng để bảo đảm an toàn hệ thống và hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững.
NHNN cũng tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn; tăng cường công tác giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng...