UBND TP HCM đề xuất không cấp điện, nước cho công trình vi phạm xây dựng

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá giải pháp này có thể thực hiện được, nếu vận dụng đúng các quy định hiện hành và cần triển khai ngay từ đầu để ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng.

Ngày 30/7, UBND TP HCM tổ chức hội nghị xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lí Nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn thành phố (TP).

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tổng số công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng và công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng là 4.252 trường hợp, chiếm 62,3% trên tổng số công trình vi phạm trên địa bàn TP.

công trình

Dự án khu dân cư nhà ở Vĩnh Lộc A (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM) do Công ty TNHH kinh doanh nhà Đồng Danh làm chủ đầu tư có nhiều công trình xây dựng sai thiết kế. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Các hành vi vi phạm phổ biến trong trường hợp này là xây dựng vi phạm chỉ giới xây dựng, xây dựng trên khoảng lùi công trình, xây dựng lấp ô thông tầng làm tăng mật độ xây dựng; mở rộng mái che cầu thang, tăng diện tích sử dụng; công trình có giấy phép xây dựng, sau khi xây dựng hoàn thành và cập nhật hoàn công lại tiếp tục xây dựng phát sinh hành vi không phép; xin phép cải tạo sửa chữa nhưng xây dựng không đúng nội dung cải tạo sửa chữa thành hành vi không phép.

Bên cạnh đó, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tổng số công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn TP là 2.573 trường hợp/3.503 trường hợp xây dựng không phép, chiếm tỉ lệ 73,5% trên tổng số công trình xây dựng không phép; chiếm 37,6% trên tổng số công trình vi phạm trên địa bàn TP.

Các hành vi vi phạm phổ biến trong trường hợp này là xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, hoặc không được phép xây dựng.

IMG-2242

Bí thư Thành Uỷ Nguyễn Thiện Nhân (giữa). (Ảnh: Ngự Kỳ).

Trong nhóm giải pháp về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm, UBND TP HCM đề xuất các đơn vị có liên quan không cấp số nhà; không cung cấp dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác đối với công trình vi phạm về đất đai, quy hoạch, xây dựng mà chưa chấp hành các quyết định xử lí của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, giải pháp không cung cấp dịch vụ điện, nước có thể thực hiện được nếu vận dụng đúng các quy định hiện hành và cần triển khai ngay từ đầu để ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm TTXD.

Bên cạnh đó, TP HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện quy chế quản lí quy hoạch kiến trúc phục vụ công tác cấp giấy phép xây dựng. Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND các quận, huyện sẽ tập trung rà soát quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tại các địa phương, điều chỉnh phù hợp, làm cơ sở cấp Giấy phép xây dựng theo quy định.

UBND TP HCM sẽ giao Sở Tài nguyên Môi trường rà soát các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn các quận ven và huyện ngoại thành để tham mưu trình UBND TP phân bổ chỉ tiêu đất nông nghiệp phù hợp với tình hình dân số và tốc độ đô thị hóa của từng địa phương. Còn Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong việc cấp phép xây dựng.

TP HCM cũng sẽ rà soát, xử lí các dự án chậm triển khai; kêu gọi đầu tư dự án nhà ở theo quy hoạch, tạo lập quỹ nhà ở hợp pháp, đáp ứng đầy đủ hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân.

Bên cạnh đó, UBND TP HCM sẽ xử lí nghiêm những cán bộ, công chức vi phạm trong hoạt động công vụ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.